Cần cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công.

Nhìn lại kết quả sau hơn 6 năm thực hiện Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”, Thủ tướng đánh giá: Đề án đạt được hầu hết các mục tiêu. Đã thu hút được gần hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Một số dự án đã được đầu tư thành công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.

“Đặc biệt, chúng ta tự hào có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các Tập đoàn, Công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Thủ tướng hoan nghênh Bộ GD - ĐT đã tập trung chỉ đạo tổ chức tốt Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hằng năm, từ năm 2018 đến nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp học sinh, sinh viên nói riêng. Từ đó, chỉ đạo một số định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Theo Thủ tướng, để hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên phát triển đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của nhân dân, doanh nghiệp, với những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, thiết thực, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.

Nhất trí với các định hướng tiếp tục triển khai Đề án 1665 trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng đề nghị Bộ GD - ĐT cùng các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 đẩy mạnh, 2 tăng cường, 3 kết nối, 4 tập trung, 5 khuyến khích”.

"1 đẩy mạnh” là đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

“2 tăng cường” là tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với các trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp học sinh, sinh viên có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, điều phối viên. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp.

“3 kết nối” gồm: Kết nối các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các địa phương với các trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển các dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương. Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên các bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, diễn ra từ ngày 11 - 13/5, tại TP. Cần Thơ.

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, diễn ra từ ngày 11 - 13/5, tại TP. Cần Thơ.

“4 tập trung” gồm: Tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên. Đổi mới từ cách nghĩ cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy. Tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, thanh niên với các doanh nghiệp. Có cơ chế bảo đảm các ý tưởng dự án được bảo hộ tránh việc mất bản quyền. Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.

“5 khuyến khích” gồm: Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị sử dụng các sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục. Khuyến khích học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu. Khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên, thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có cách nghĩ mới, cách làm mới; tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Thủ tướng cũng đã có những đề nghị cụ thể với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục phổ thông và gửi gắm tới các em học sinh, sinh viên: “Các cháu hãy luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm “Nuôi dưỡng ý tưởng; thổi bùng đam mê; quyết tâm, kiên trì; đương đầu thách thức - lập nghiệp thành công”, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước thân yêu ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/can-co-che-chinh-sach-giai-phap-ho-tro-thiet-thuc-cho-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-post1636491.tpo