Cán bộ Công đoàn kiến nghị cần bổ sung điều khoản xử lý nghiêm đơn vị nợ BHXH
Chiều 5/4, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của cán bộ Công đoàn vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có tác động rộng lớn tới nhiều đối tượng, trong đó có người lao động. Với tư cách là cơ quan đại diện cho người lao động, nói lên tiếng nói của người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTBXH tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ Công đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu mong muốn từ thực tiễn hoạt động của mình, các đại biểu là cán bộ Công đoàn cần có những ý kiến, thảo luận để cùng nhau xây dựng dự án Luật BHXH chất lượng, cùng hướng tới mục tiêu góp được tiếng nói của người lao động để có được một dự thảo Luật BHXH mang tính khả thi cao.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của cán bộ Công đoàn vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là hoạt động rất quan trọng và có ý nghĩa. Thông qua hội thảo, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐTBXH sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý của các cán bộ Công đoàn để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.
Tại hội thảo, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thiết kế gồm 9 Chương (giữ nguyên số chương) và 133 Điều (nhiều hơn 8 điều so với Luật hiện hành), theo đó nội dung sửa đổi chính tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung lớn được sửa đổi bổ sung, như: (1) Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản, tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống BHXH đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH;
(2) Mở rộng đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH bắt buộc; (3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; (4) Bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện; (5) Giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm để những người tham gia muộn và tham gia không liên tục (thời gian đóng ngắn) cũng có cơ hội hưởng lương hưu; (6) Quy định về hưởng BHXH một lần; (7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH nhằm nâng cao tính tuân thủ đảm bảo quyền lợi về BHXH cho người lao động…
Tại hội thảo, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành nêu thực trạng các doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng BHXH kéo dài khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật, ông Phạm Sơn - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ nêu thực tế hiện nay tại nhiều doanh nghiệp, hằng tháng người lao động vẫn trích nộp, đóng đầy đủ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động, nhưng người sử dụng lao động không nộp về cho cơ quan BHXH, kết quả, thiệt thòi cuối cùng thuộc về người lao động.
Dẫn ra tình trạng ở Phú Thọ từng có doanh nghiệp bị xử phạt, bị khởi kiện ra tòa vì nợ đọng tiền BHXH, thậm chí người lao động thắng kiện, nhưng cũng không làm được gì bởi doanh nghiệp vẫn không có tiền nộp về cơ quan BHXH, ông Sơn đề xuất: Chúng ta nghiên cứu làm sao để nguyên tắc có đóng có hưởng, công bằng, minh bạch, ai sai ở đâu người đó phải chịu trách nhiệm, cần có đủ chế tài pháp luật để xử lý, buộc doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật, không đẩy khó, thiệt thòi về cho người lao động.
Ông Sơn cũng đề nghị, trong Dự thảo Luật nên nghiên cứu để có quy định cụ thể trong giải quyết quyền lợi cho người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, không có tài sản đảm bảo…
Góp ý vào dự thảo Luật, ông Dương Đức Khanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình đề nghị cần bổ sung một khoản vào Điều 19, đó là người sử dụng lao động, cơ quan BHXH có trách nhiệm công khai thông tin của người lao động và cơ quan đóng BHXH để người lao động được theo dõi. Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 21, đó là yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận thông tin đóng BHXH, hằng tháng cung cấp thông tin công khai để mọi người kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đã đóng nộp tiền BHXH đầy đủ hay chưa, qua đó kịp thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.