Các nhà khoa học Trung Quốc ghép thành công gan lợn chỉnh sửa gene cho người sống

Bệnh viện Số 1 thuộc Đại học Y An Huy (Trung Quốc) thông báo đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan xenogene (đã chỉnh sửa gene) cho người sống đầu tiên trên thế giới.

Nhóm khoa học Đại học Y khoa An Huy đã thực hiện thành công ca ghép gan lợn đã chỉnh sửa gene cho bệnh nhân ung thư (Ảnh: Guangming)

Nhóm khoa học Đại học Y khoa An Huy đã thực hiện thành công ca ghép gan lợn đã chỉnh sửa gene cho bệnh nhân ung thư (Ảnh: Guangming)

Theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc, bệnh nhân nam được ghép gan lợn đã 71 tuổi, có khối u ung thư rất lớn ở thùy gan phải. Các phương pháp can thiệp và điều trị khác đều không hiệu quả và bệnh nhân có thể vỡ gan bất cứ lúc nào.

Xuất phát lòng nhân ái và nguyên tắc khẩn cấp, không gây hại, được sự đồng ý của gia đình và bệnh nhân, Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Y An Huy đã lần lượt triệu tập họp Ủy ban Học thuật, Ủy ban Đạo đức lâm sàng công nghệ mới, Ủy ban Đạo đức cấy ghép nội tạng và Ủy ban Đạo đức động vật, đồng ý thực hiện nghiên cứu thực hiện ca ghép gan dị chủng cho bệnh nhân này.

Ca phẫu thuật này là ca ghép gan chỉnh sửa gene cho người sống đầu tiên trên thế giới và là ca ghép nội tạng chỉnh sửa gene cho người sống thứ 5 trên thế giới. Ca ghép đã tạo nên nhiều kỳ tích trong lịch sử y học, bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn về phương pháp cấy ghép toàn bộ gan lợn, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và phương pháp quản lý phẫu thuật ghép gan dị chủng.

Việc ghép gan lợn chỉnh sửa gene có thể được đưa vào thực hành lâm sàng và sẽ đóng góp quan trọng cho sức khỏe con người, theo giới truyền thông Trung Quốc.

Nhóm các nhà khoa học thực hiện thành công ca ghép gan lợn chỉnh sửa gene cho người bị bệnh ung thư (Ảnh: Sina).

Ghép gan được cho là phương pháp điều trị hiệu quả tận gốc duy nhất cho bệnh suy gan. Trên thực tế, nhiều người không thể chờ đợi được ghép gan đã qua đời.

Theo tài khoản WeChat chính thức của Bệnh viện Số 1 trực thuộc Đại học Y khoa An Huy, hiện bệnh nhân đã ở tình trạng tốt. 24/5 là ngày thứ bảy sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã di chuyển tự do. Không có phản ứng thải ghép siêu cấp tính hoặc cấp tính nào được phát hiện. Chức năng gan đã trở lại bình thường. Gan lợn được cấy ghép tiết ra khoảng 200ml mật vàng mỗi ngày. Kết quả chụp CT và siêu âm B khẳng định gan lợn được cấy ghép có động mạch gan, tĩnh mạch cửa và chức năng tĩnh mạch gan hoàn toàn bình thường.

Gia đình bệnh nhân tặng trướng cho các thầy thuốc sau ca phẫu thuật (Ảnh: LTN)

Theo báo cáo đầu tiên, khối u khổng lồ ở gan phải của bệnh nhân được cắt bỏ. Trong quá trình phẫu thuật, người ta xác nhận thùy gan trái còn lại không đủ đáp ứng chức năng gan của bệnh nhân. Do đó, một mô nặng 514 gram thu được từ Phòng thí nghiệm trọng điểm về chỉnh sửa gene và cấy ghép xenopig tại Đại học Nông nghiệp tỉnh Vân Nam đã được sử dụng. Gan của con lợn đực 11 tháng tuổi, nặng 32kg, qua chỉnh sửa 10 gene đã được ghép vào thùy gan phải của bệnh nhân.

“Nguồn gan” dùng cho ca ghép gan xenogene này do nhóm của Giáo sư Ngụy Hồng Giang thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm tỉnh Vân Nam về chỉnh sửa gene lợn và nội tạng xenogene tại Đại học Nông nghiệp Vân Nam. Gần đây, nhóm đã nuôi lợn được chỉnh sửa 10 gene là GTKO, CMAHKO, β4GalNT2KO, hCD46, hCD55, hTBM, hEPCR, hCD47, hCD39 và hCD59 có thể tránh được một cách hiệu quả các phản ứng đào thải siêu cấp tính và cấp tính, rối loạn chức năng đông máu...

Những tiến bộ trong cấy ghép tạng dị chủng

Được biết, cấy ghép tạng dị chủng (xenotransplantation), đề cập đến việc cấy ghép nội tạng động vật cho người, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm và nhằm mục đích giải quyết tình trạng thiếu nguồn hiến tạng của con người. Động vật hiến tặng cần phải trải qua nhiều lần chỉnh sửa gene để tránh bị hệ thống miễn dịch của cơ thể đào thải, cũng như ngăn cơ quan phát triển quá lớn hoặc gây ra đông máu.

Chỉnh sửa gen tế bào lợn là một công nghệ đã tương đối hoàn thiện. Lợn có khả năng sinh trưởng mạnh và dễ nuôi trên quy mô lớn, khiến chúng trở thành lựa chọn tốt nhất cho người hiến tạng dị chủng trong điều kiện kỹ thuật hiện nay.

Trong hai năm qua, công nghệ ghép tạng dị chủng (xenotransplant) ở lợn chỉnh sửa đa gene đã đạt được nhiều tiến bộ ở Mỹ: đã có 2 ca ghép tim và 2 quả thận từ người hiến tặng; hiện có một bệnh nhân còn sống. Điều này mang lại hy vọng cho sự phát triển của việc cấy ghép nội tạng lợn cho người. Tuy nhiên, các học giả Mỹ cho rằng chức năng gan quá nhiều, bao gồm trao đổi chất, miễn dịch, tạo máu, đông máu…nên việc ghép gan xenogene từ lợn sang người chưa được đề cập tới.

Ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới đã được hoàn thành tại Mỹ năm 2022 tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland. Tim được sử dụng trong ca phẫu thuật này được lấy từ một cá thể lợn đã được chỉnh sửa gen. Bệnh nhân được công bố đã chết 2 tháng sau ca phẫu thuật, có thể là do mầm bệnh virus ở lợn và đào thải nội tạng cấy ghép.

Nhóm nghiên cứu này cũng đã hoàn thành ca ghép tim lợn biến đổi gene thứ hai trên thế giới vào năm 2023 và bệnh nhân đã sống được gần 6 tuần sau ca phẫu thuật. Tương tự như trường hợp đầu tiên, bệnh nhân xuất hiện sự đào thải mà không có chứng cứ rõ ràng ban đầu về sự đào thải.

Ghép tạng hiện là phương pháp điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh (Ảnh: Guancha).

Ngày 16/3/2024, Trung tâm Cấy ghép của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Mỹ đã hoàn thành ca ghép thận lợn biến đổi gen cho người đầu tiên trên thế giới. Nhưng, bệnh nhân cũng đã qua đời 2 tháng sau cuộc phẫu thuật.

Theo Guangming, Sina

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cac-nha-khoa-hoc-trung-quoc-ghep-thanh-cong-gan-lon-chinh-sua-gene-cho-nguoi-song-post175250.html