Bộ trưởng Bộ Nội vụ: dự kiến tăng 30% lương cơ sở từ 1/7/2024
Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, tăng lương 30% cho cán bộ, công chức, viên chức là mức cao nhất trong lịch sử, cũng có nghĩa phải thực hiện tốt kiềm chế lạm phát để bảo đảm quyền lợi người lao động; cách giải quyết vấn đề này nếu không tốt, sẽ đẩy giá sinh hoạt hằng ngày lên...
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều nay (20/6), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã cung cấp một số thông tin đang được dư luận rất quan tâm liên quan việc cải cách chính sách tiền lương.
Bộ trưởng cho hay, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Nội vụ đã tập trung cao độ xây dựng các phương án thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động (CBCCVC, LLVT, NLĐ) trong doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định để thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Đáng chú ý, sáng 19/6, Bộ Chính trị đã họp quyết định chủ tương, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề rất lớn, nhạy cảm tác động đến hàng triệu CBCCVC, LLVT và NLĐ; trên 50 triệu người thuộc đối tượng hưởng lương cơ sở. Vì vậy, phải bảo đảm nguyên tắc chắc chắn, đồng bộ, kỹ lưỡng và không thể nóng vội; nếu thực hiện không thận trọng thì gây nhiều khó khăn. Đến nay, Chính phủ đã tổ chức hàng chục cuộc họp để đưa ra được phương án cải cách chính sách tiền lương trên cơ sở các nguyên tắc: hài hòa, công bằng, bình đẳng và tương quan giữa tất cả các đối tượng; yêu cầu chung là làm từng bước theo lộ trình, rõ đến đâu làm đến đấy, nếu chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, cải cách tiền lương thì phải đạt được mục tiêu tăng lương, nên phải bám sát Nghị quyết 27-NQ/TW để tính toán. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đã quyết định phương án sáng suốt: từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh mức lương của NLĐ trong khu vực doanh nghiệp là tăng 6%; thực hiện quản lý thu nhập DN Nhà nước theo cơ chế thông thoáng, đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết 27. Còn đối với khu vực công, thực hiện từng bước, đầy đủ, đạt mục tiêu tăng lương cho tất cả các đối tượng.
Trong đó, thực hiện việc rất mới là bố trí 10% quỹ lương cơ bản để hằng năm thủ trưởng cơ quan đơn vị được toàn quyền quyết định thưởng đột xuất cho các CBCCVC. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ việc bảo đảm các nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, trong đó sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế là một trong các nguồn; hướng dẫn thực hiện thống nhất để quản lý tiền lương và thu nhập đối với từng đối tượng đơn vị sự nghiệp tự chủ hay hưởng lương từ ngân sách. Với 2 nội dung còn nhiều vướng mắc là thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và theo chức danh chức vụ lãnh đạo, sẽ thực hiện cải cách theo lộ trình, với nguyên tắc tăng đồng đều cho các đối tượng CBCCVC, LLVT, NLĐ là 30% mức lương cơ sở.
“Phương án này được đánh giá là tối ưu, sẽ cơ bản giữ nguyên được các văn bản quy phạm pháp luật về tiền lương của các đối tượng, với các phụ cấp hiện nay được giữ nguyên và sẽ tiếp tục rà soát nghiên cứu, bổ sung. Như vậy, Nghị quyết 27-NQ/TW được thực hiện theo lộ trình chắc chắn, hiệu quả, khả thi và đáp ứng mong mỏi của các đối tượng, không ai bị thiệt thòi; với chính sách tiền lương mới này sẽ chính thức thực hiện từ ngày 1/7/2024” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.
Đặc biệt, theo người đứng đầu ngành Nội vụ, vấn đề đặt ra là tăng lương 30% là mức cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay, cũng có nghĩa phải thực hiện tốt kiềm chế lạm phát để bảo đảm quyền lợi NLĐ; cách giải quyết vấn đề này nếu không tốt thì sẽ đẩy giá sinh hoạt hằng ngày lên, là bài toán đặt ra mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ liên quan đang phải tập trung giải quyết. Chính phủ sẽ giao Ban Kinh tế Trung ương đánh giá lại những khó khăn trong triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW, sau đó Ban Chấp hành sẽ cho ý kiến để tiếp tục triển khai.