Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng chống cháy nổ

'Đối với nhà cho thuê trọ thì cần cấm kinh doanh, điều này có thể hơi chặt chẽ, nhưng đấy là giải pháp hữu hiệu để phòng chống cháy nổ'.

Rạng sáng 24/5, vụ hỏa hoạn xảy ra tại một ngôi nhà thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội khiến 14 người tử vong. Thông tin ban đầu, ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở gia đình kết hợp cho thuê để ở. Tại đây cũng có một cửa tiệm chuyên mua bán, sửa chữa xe đạp điện, xe máy điện. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, nhiều vụ cháy có hậu quả thương tâm, gây chết nhiều người. Đây là hồi chuông cảnh báo với công tác an toàn toàn phòng chống cháy nổ. Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về nguyên nhân, giải pháp phòng tránh trước mắt và lâu dài trong phòng chống cháy nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.

Phóng viên: Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy nhà ở gây ra hậu quả thương tâm, cướp đi sinh mạng nhiều người. Điều đáng nói, những nạn nhân trong vụ cháy rất nhiều người là đi thuê nhà. Đại biểu có kiến nghị gì về khâu phòng chống cháy nổ nhà dân, đặc biệt là đối với nhà trọ cho thuê?

Đại biểu Trịnh Xuân An: Lâu nay chúng ta hay nói là phải đầu tư thêm nhà ở xã hội, nhà cho thuê đối với người có thu nhập thấp, nhưng hiện nay chưa triển khai được nhiều. Do đó, người dân vẫn không có sự lựa chọn nào khác là đi thuê nhà trong dân.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bên hành lang Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bên hành lang Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn những vụ cháy thời gian qua, nhất là vụ việc tại ngôi nhà trọ trong ngõ 43 phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy khâu phòng cháy phải được quan tâm trước tiên.

Để thực hiện tốt khâu phòng cháy, người dân phải tăng cường ý thức và phải luôn cho rằng nguy cơ cháy lúc nào cũng hiện hữu. Cùng đó, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý và các cấp chính quyền. Lực lượng chuyên trách sẽ không có đủ người đi đến từng nhà thanh, kiểm tra khâu phòng chống cháy nổ, nhưng các cấp đoàn thể ở cơ sở cần tăng cường vận động, tuyên truyền để lúc nào người dân cũng phải cảnh giác cao về nguy cơ cháy nổ.

Những khu vực như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, thành phố lớn thứ, kể cả những thành phố tập trung nhiều người lao động, công nhân như Bình Dương như Đồng Nai hay như Bắc Ninh, cần phải có sự rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng tất cả những cơ sở, những nhà ở cho nhiều người thuê. Cùng đó, phải yêu cầu những khu vực này trang bị bình cứu hỏa, sắp xếp việc bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm. Lâu nay chúng ta có rà soát, nhưng thông sau đó mới chỉ là nhắc nhở chủ nhà cho thuê.

Ví dụ như trường hợp cháy tại ngôi nhà trọ trong ngõ 43 phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày hôm qua, trên mái nhà quây tôn kín, trong khi bên dưới kinh doanh xe. Nếu yêu cầu chủ nhà trọ bỏ ngay cái mái đó, hoặc mở đường thoát hiểm đã không có vụ việc thương tâm đến vậy.

Việc này đưa vào quy định pháp luật sẽ khó, nhưng trong thực thi, rà soát, cần chú ý đến những tiểu tiết về phòng cháy nổ. Việc phòng cháy, chữa cháy không chỉ nằm ở những tiêu chuẩn, quy chuẩn, những quy định này áp dụng đúng công trình lớn, đối với dự án lớn.

Còn đối với các đối tượng rất đặc thù như nhà ở cho thuê, nhà trọ kết hợp với nhà ở với cơ sở sản xuất kinh doanh thì việc phòng cháy, chữa cháy đi vào chi tiết rất nhỏ. Những chi tiết này tưởng chừng thừa, nhưng nó sẽ trở thành rất hữu ích khi xảy ra. Qua đó, chúng ta thực hiện được hiệu quả việc phòng chống cháy nổ từ sớm, từ xa.

Phóng viên: Có thể nhìn nhận nhu cầu thuê nhà của người dân luôn cao, đi kèm đó rất cần những giải pháp để đảm bảo an toàn cho người thuê nhà. Theo đại biểu cần những giải pháp đồng bộ nào để hạn chế những vụ cháy thương tâm như trường hợp vụ hỏa hoạn xảy ra tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội?

Ngày 24/5/2024, đã xảy ra một vụ cháy lớn tại một ngôi nhà trong ngõ Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát

Ngày 24/5/2024, đã xảy ra một vụ cháy lớn tại một ngôi nhà trong ngõ Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: TTXVN phát

Đại biểu Trịnh Xuân An: Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ này chúng ta đang có một điều quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhưng vẫn chưa giải quyết được nếu vẫn giữ quy định chung chung như luật hiện hành.

Chúng ta quy định nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh phải có giải pháp ngăn cháy, phòng ngừa. Thế nào là ngăn cháy, thế nào là để ngăn ngừa thì không rõ, phải cụ thể hơn ở chỗ này.

Câu chuyện là việc phòng ngừa sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hơn là chữa cháy. Trong trường hợp ngày hôm qua, để xảy ra việc phải chữa cháy, chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

Công tác phòng cháy liên quan trực tiếp là người dân, chính quyền cấp cơ sở. Vì những khu vực trong ngõ trong hẻm như thế, không chỉ ở Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) mà ở Hà Nội sẽ còn rất nhiều khu vực như vậy. Câu chuyện là phải rà soát và cảnh báo, vận động người dân làm tốt hơn công tác phòng chống cháy nổ.

Nếu chúng ta thực hiện bài bản, sâu sắc, sâu xa hơn nữa thì phải có một hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, trong đầu tư các dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp để giảm dần những câu chuyện thuê trọ tự phát như hiện nay.

Ở Hà Nội hiện nay, chúng ta đang còn rất nhiều các quỹ đất có thể tận dụng được để xây nhà cho người thu nhập thấp thuê. Trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã nêu vấn đề này và đã có cơ chế.

Tuy nhiên, cái này cần phải đi vào thực chất hơn. Nếu chúng ta không cụ thể những quy định hơn nữa sẽ dẫn đến những hậu quả như là trường hợp vụ cháy nghiêm trọng tối hôm qua.

Đối với các cấp chính quyền có lẽ phải dùng biện pháp “mạnh tay” hơn, đó là thông qua việc rà soát trên địa bàn mình mà cảm thấy có nguy cơ cao tính mạng người dân bị đe dọa cần yêu cầu, thậm cưỡng chế dỡ bỏ ngay các vật cản, máy tôn, quan trọng là phải thiết kế thêm lối thoát.

Có như thế mới đồng bộ cả giải pháp ngắn hạn, dài hạn và những biện pháp kỹ thuật; trong đó có cả những biện pháp mang tính cưỡng bức, bắt buộc chúng ta mới không để xảy ra những hậu quả thảm khốc như những vụ cháy thời gian qua.

Chúng đang sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm đến nội dung này. Cần thiết có thể thiết kế một mục, hoặc chương về phòng cháy đối với nhà ở chứ không phải chỉ là một điều đơn giản như vậy.

Trong mục đó có thể thiết kế những nội dung phù hợp giữa quy hoạch hạ tầng đô thị, thẩm quyền của địa phương trong quá trình quản lý tại cơ sở của mình thì có quyền gì, yêu cầu gì. Vì khi làm luật không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của công dân, các địa phương mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.

Chốt lại, vấn đề trách nhiệm, vai trò của mỗi cá nhân, đoàn thể trong phòng tránh cháy nổ là rất quan trọng. Người lao động, người dân lúc nào cũng phải cảnh giác đối với nguy cơ cháy nổ, nếu không sẽ xảy ra hậu quả rất lớn.

Phóng viên: Có thể nhận thấy, tại các thành phố lớn, nhà trong ngõ, ngách rất nhiều và nếu những nhà này cho nhiều người thuê cần đảm bảo những điều kiện gì để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người thưa đại biểu?

Đại biểu Trịnh Xuân An: Có một thực trạng là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, nhà trong ngõ ngách rất nhiều và người dân cho thuê, kết hợp cơ sở kinh doanh. Do đó, đối với nhà kết hợp với doanh nghiệp kinh doanh, phải có phương án và các giải pháp phòng cháy. Phải cụ thể thêm về cái quy định này. Ví dụ như là nếu nhà cho thuê trọ thì phải cấm kinh doanh. Chúng ta không thể tạo ra những rủi ro cao như vậy.

Trong trường hợp vụ cháy ngày hôm qua tại Hà Nội, ngôi nhà đó ở dưới là kinh doanh xe điện và nếu chập cháy sẽ tạo nguy cơ rất lớn là rõ ràng, số người chết thương tâm hôm qua có thể là do bị ngạt khói.

Qua đó cho thấy, phải rõ ràng trong quy định pháp luật, cụ thể có thể là cấm không cho phép kinh doanh đối với nhà có diện tích mà có số lượng từ 10 người thuê trọ trở lên hoặc không có hệ thống chữa cháy. Giải pháp an toàn nhất là cấm không cho nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh.

Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, những nhà mặt phố, shophouse thì phương án ngăn cháy cần cụ thể hơn nữa giữa các tầng hoặc phải có vách, hệ thống chữa cháy tại khu vực kinh doanh.

Thông thường kinh doanh, người dân hay tận dụng ở tầng 1. Điều điều kiện cho phép là nhà đó không có người thuê, không có người trọ hoặc thậm chí là không có người ở mà chỉ dùng để kinh doanh

Bên cạnh đó, hệ thống để chữa cháy, nghị định của Chính phủ đã quy định điều kiện là phải có téc nước, có hệ thống cảnh báo... Các nhà mặt phố, hoặc nhà làm cơ sở kinh doanh như là karaoke điều kiện cho phép kinh doanh an toàn phòng chống cháy nổ đã rõ, nhưng đối với nhà cho thuê trọ thì cần cấm kinh doanh, điều này có thể hơi chặt chẽ, nhưng đấy là giải pháp hữu hiệu để phòng chống cháy nổ.

Chúng ta không được đem nguy cơ rủi ro này vào cho hàng chục tính mạng, hàng mấy chục con người.

Với diện tích như vậy, với điều kiện hạ tầng ngõ hẻm, đường bé không tiếp cận được phương tiện chữa cháy, nếu xảy ra cháy, những người trong khu nhà trọ đó sẽ không có cơ hội sống sót.

Do đó, phải quy định chặt chẽ hơn bằng cách cấm với những nhà ở cho thuê trọ được kết hợp kinh doanh. Có thể sẽ mất thời gian chuyển đổi, nhưng phải thực hiện việc này để thực hiện việc này ngăn ngừa, “dập tắt” rủi ro cháy gây chết người.

Bên cạnh đó, phải rà soát đối với những cơ sở kinh doanh mặt hàng dễ cháy trong khu dân cư. Ví dụ như trong khu nhà trọ mà kinh doanh xe máy điện, kinh doanh mút xốp, vật liệu dễ cháy, hóa chất… cần có điều kiện kinh doanh khắt khe hơn trong phòng cháy chữa cháy.

Tất nhiên, không phải là tạo ra nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn phức tạp, nhưng riêng đối với những mặt hàng ở cạnh người dân, cạnh nơi đông dân cư phải có yêu cầu cụ thể. Tới đây phải rà soát và đưa vào thành luật để cụ thể hơn nữa các quy định.

Thu Hằng - Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-hoi-chuong-canh-bao-ve-an-toan-phong-chong-chay-no/334220.html