Đừng kỳ thị xe điện

Lo lắng về an toàn cháy nổ, nhiều chung cư mini, chủ nhà trọ, cả các chung cư lớn ra quy định cấm sạc xe dưới hầm, tầng để xe, thậm chí chấm dứt cho thuê trọ nếu người thuê dùng xe máy điện.

Người dùng xe điện bị cấm sạc

Việc kỳ thị xe điện, đặc biệt là xe máy và đạp điện, xảy ra chủ yếu từ sau thảm họa cháy lớn ở chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, khiến 56 người thiệt mạng. Khi đó, có nhiều thông tin lan truyền nguyên nhân gây cháy là bởi xe điện, dù hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Thời gian qua, trong nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, đặc biệt là những nhóm về xe cộ, có khá nhiều bài viết của người sử dụng xe điện chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của mình về việc chung cư cấm sạc xe, khiến họ rất chán nản. Cực chẳng đã, nhiều người đã phải đưa xe vào thang máy và dựng ngay trước cửa nhà để sạc pin hàng ngày.

Xe điện đang bị kỳ thị dù chưa có bất kỳ một thông tin nào kết luận xe điện là nguyên nhân gây cháy nổ.

Xe điện đang bị kỳ thị dù chưa có bất kỳ một thông tin nào kết luận xe điện là nguyên nhân gây cháy nổ.

Tình trạng này không chỉ có ở chung cư. Ngay tại các khu trọ, việc từ chối cho sạc xe điện vẫn đang xảy ra khiến nhiều chủ xe rất vất vả tìm cách đối phó.

Về việc cấm sạc xe điện, theo các chuyên gia là không phù hợp. Chuyển dịch sang xe điện là một xu thế tất yếu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cần nhìn nhận chính xác và toàn diện các rủi ro cháy nổ có thể xảy ra khi sử dụng xe điện nói riêng và các thiết bị sử dụng điện nói chung để có giải pháp phòng tránh.

Luật sư Nguyễn Quang Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Quang Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Quang Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết, tại điểm a, khoản 1, Điều 101 của Luật Nhà ở năm 2014, có nêu rõ: chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và theo thiết kế đã được thẩm duyệt và phải bảo đảm việc sử dụng đúng mục đích được phê duyệt. Bởi vậy, nếu mục đích được phê duyệt có khu để xe, nhưng chủ đầu tư không cho cư dân để là chưa phù hợp.

Nếu chỉ tập trung quy kết cho xe điện là nguyên nhân gây cháy nổ, vô hình trung đang tạo ra sự an toàn giả, bởi cho tới nay chưa có kết quả điều tra, số liệu công bố của cơ quan, tổ chức nào đánh giá việc sử dụng xe máy điện, xe đạp điện làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Xe điện có phải là nguyên nhân gây cháy nổ?

Tại TP. Hà Nội có khoảng 200.000 xe máy, xe đạp điện cùng hàng nghìn ô tô điện đang hoạt động.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng xe điện là xu thế và trong tương lai. Tại Hà Nội, số lượng xe chạy xăng, dầu sẽ giảm, thay thế vào đó là các xe chạy điện.

Hiện tại, từ các hiện tượng cháy nổ, có dư luận cho rằng pin nhiên liệu của xe điện là nguyên nhân gây cháy nổ. Tuy nhiên, thực tế chưa có một kết luận nào rõ ràng. Bởi vậy, việc kỳ thị xe điện là không phù hợp.

Sạc xe điện thế nào để an toàn?

Tỷ lệ người dân sử dụng xe điện (xe đạp điện, xe máy điện…) đang dần tăng cao khắp cả nước. Bên cạnh những tiện ích của loại phương tiện này, có nhiều vấn đề được quan tâm, trong đó có nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện của xe.

Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, cần tuân thủ một số quy định.

Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, cần tuân thủ một số quy định.

Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

2. Thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới.

Đồng thời lưu ý:

- Sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết; dùng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp nhà sản xuất khuyến cáo) và ổn định; sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện.

Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát…

- Sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, khi sạc trong phòng cần tránh nơi kín, đảm bảo thông thoáng gió tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 0℃~35℃, nếu không, phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt.

Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ, gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.

- Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.

3. Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc.

Không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ).

Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dung-ky-thi-xe-dien-243972.htm