Bầu cử Mỹ 2020: Âm thầm ký sắc lệnh gây tranh cãi, Tổng thống Trump 'tất tay'?

Nội dung và thời điểm ban hành của sắc lệnh này dường như cho thấy ông Donald Trump đã quyết tâm 'tất tay' cho cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11 tới. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Ngày 21/10, trong lúc sự chú ý đang đổ dồn về cuộc tranh luận bầu cử Mỹ lần ba tại Đại học Belmont, thành phố Nashville, bang Tennessee ngày 24/10, Tổng thống Donald Trump đã ‘lặng lẽ’ ký và ban hành một sắc lệnh hành pháp mới. Thậm chí, ba ngày sau đó, chỉ khi nó chính thức được Nhà Trắng công bố, giới truyền thông Mỹ vốn nổi tiếng thạo tin mới biết đến sự tồn tại của nó.

Bản thân ông Trump, người ưa thích thu hút sự chú ý của truyền thông thông qua những dòng Tweet hay buổi lễ ký kết tầm cỡ, cũng không đả động gì đến sắc lệnh hành pháp này. Tuy nhiên, một khi được công bố, nó đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi quyết liệt từ phía các chuyên gia.

Tổng thống Trump 'lặng lẽ' ký sắc lệnh hành pháp mới, khiến cho tương lai việc làm của những nhân vật như Tiến sỹ Anthony Fauci (bên phải) trở nên mong manh hơn bao giờ hết. (Nguồn: Getty)

Nội dung tranh cãi

Điểm nổi bật của sắc lệnh hành pháp lần này là gỡ bỏ quyền bảo vệ đối với công chức, viên chức chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng chính sách, cho phép chính quyền liên bang sa thải họ mà không bắt buộc có lý do chính đáng hay qua quy trình xét duyệt thông thường.

Ước tính có đến hàng trăm nghìn công chức, viên chức, các nhà khoa học, công tố viên, nhà làm luật, chuyên gia y tế tiêu biểu như nhà dịch tễ học, Tiến sỹ Anthony Fauci, nhân vật được nhiều người Mỹ “quen mặt” trong công tác chống dịch Covid-19, nằm trong diện này. Giờ đây, tương lai việc làm của họ trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Theo Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Russell Vought, với chính sách này, ông Trump đang thực hiện cam kết khiến các quan chức, viên chức xây dựng chính sách chịu trách nhiệm và thận trọng hơn với quyết định có thể ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, số khác không nghĩ vậy. Phe chỉ trích cho rằng sắc lệnh hành pháp này có thể chính trị hóa các vị trí chủ chốt, buộc các quan chức, viên chức chú trọng vào bảo vệ việc làm của họ thay vì thực hiện đúng chức trách phục vụ nhân dân và đất nước như được giao phó.

Thời điểm nhạy cảm

Nội dung gây tranh cãi là vậy, song thời điểm ký kết và ban hành của sắc lệnh này cũng đáng chú ý không kém. Trên thực tế, việc ban hành một sắc lệnh hành pháp có ảnh hưởng lớn, với nội dung gây tranh cãi như vậy cần có thời gian thảo luận và xem xét kỹ lưỡng hơn.

Nếu thực sự muốn triển khai và phát huy tối đa hiệu quả tích cực của chính sách này, ông Trump hoàn toàn có thể ban hành vào đầu hoặc giữa nhiệm kỳ, thay vì đợi đến những tuần cuối cùng trước ngày bầu cử.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích thực sự của ông Trump với sắc lệnh hành pháp này. Ông Richard Loeb, chuyên gia tư vấn chính sách của Liên hiệp Người lao động Mỹ bày tỏ lo ngại rằng dù có thất bại trong bầu cử, ông Trump hoàn toàn có thể tận dụng ba tháng chuyển giao để bổ nhiệm hàng loạt người thân cận vào các vị trí chủ chốt, cản trở chính quyền mới và đảng Dân chủ nói riêng, tìm đường quay trở lại khi cần thiết.

Thêm vào đó, ngày 26/10, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn thẩm phán theo đường lối bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao. Đây là thắng lợi cho ông Trump trước cuộc bầu cử, bổ sung số thẩm phán theo đường lối bảo thủ, củng cố vị thế của đảng Cộng hòa trong trong tranh chấp liên quan đến Hiến pháp và quan trọng hơn, tạo chỗ dựa vững chắc khi có bất đồng về kết quả bầu cử.

Tích cực thúc đẩy chiến dịch tranh cử song không quên chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, ông Donald Trump đang cho thấy ông đã sẵn sàng trở lại Nhà Trắng sau ngày bầu cử Tổng thống vào 3/11 tới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2020-am-tham-ky-sac-lenh-gay-tranh-cai-tong-thong-trump-tat-tay-127370.html