Bất chấp cảnh báo, thiết bị kích sóng di động vẫn bán tràn lan trên mạng

Mặc dù chỉ có một số ít đơn vị được cấp phép lắp đặt thiết bị kích sóng di động nhưng mặt hàng này lại trôi nổi trên thị trường dẫn đến việc ai cũng có thể mua bán, sử dụng.

Thời gian gần đây, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) liên tục phát đi thông báo tới người dân về việc đề nghị không sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động để đảm bảo an toàn cho mạng thông tin di động không bị can nhiễu.

Cục cũng cảnh báo trường hợp tự ý sử dụng thiết bị kích sóng gây nhiễu hại đối với mạng viễn thông di động sẽ bị xử lý nghiêm.

Mặc dù vậy, trên mạng xã hội vẫn tràn lan các quảng cáo bán, lắp đặt thiết bị kích sóng điện thoại di động.

Trên thực tế, chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần, được sử dụng thiết bị phát lặp (còn gọi là thiết bị kích sóng điện thoại di động, repeater) trong hệ thống mạng thông tin di động, để lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động và không gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động khác.

Thiết bị kích sóng điện thoại di động được quảng cáo với giá từ vài trăm cho đến vài triệu đồng. Trong số này người mua không thể phân biệt đâu là sản phẩm đúng quy chuẩn và đâu là hàng kém chất lượng.

Dạo một vòng trên các trang bán hàng trực tuyến có thể thấy việc mua bán các thiết bị kích sóng di động được thực hiện rất dễ dàng.

Chỉ cần gõ từ khóa “thiết bị kích sóng điện thoại di động”, hoặc “thiết bị kích sóng”, hay “thiết bị kích sóng di động” trong công cụ tìm kiếm của Google sẽ nhận được nhiều website quảng cáo, bán nhiều chủng loại với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Trong số hàng trăm nghìn sản phẩm kích sóng di động và hàng chục nhà cung cấp dịch vụ khác nhau sẽ tồn tại cả thiết bị kích sóng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bán trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo các quy chuẩn về tương thích điện từ trường, tiềm ẩn nguy cơ gây can nhiễu cho mạng thông tin di động.

Nếu các đơn vị, cá nhân tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng điện thoại di động để tăng cường chất lượng sóng trong khu vực mình sinh hoạt hàng ngày, có thể sẽ gây can nhiễu, gây khó khăn trong việc kết nối các cuộc gọi hoặc rớt các cuộc gọi của các thuê bao di động khác trong khu vực; nguy hiểm hơn có thể gây tê liệt cho hệ thống mạng thông tin di động trong khu vực lân cận.

Chỉ một số đơn vị được phép lắp đặt thiết bị kích sóng di động, các đơn vị, cá nhân khác nếu tự ý lắp đặt thiết bị kích sóng có thể gây mất an toàn cho mạng thông tin di động mặt đất.

Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, trường hợp tự ý lắp đặt, sử dụng thiết bị kích sóng gây nhiễu có hại đối với mạng viễn thông di động công cộng, người sử dụng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 30 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện. Người kinh doanh thiết bị cũng bị xử phạt vi phạm hành chính đến 50 triệu đồng.

Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo người dân khi trong vùng sóng yếu khiến điện thoại di động gặp khó khăn khi liên lạc có thể thông báo đến số hotline của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động tương ứng để được hỗ trợ khắc phục, thay vì tự lắp thiết bị kích sóng.

Thiết bị kích sóng điện thoại di động (hay là thiết bị lặp tín hiệu di động, repeater) là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng GSM các loại băng tần tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu. Theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BTTTT ngày 08/5/2018, các loại thiết bị này nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động.

Sóng điện thoại có gây yếu sinh lý đàn ông?

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bat-chap-canh-bao-thiet-bi-kich-song-di-dong-van-ban-tran-lan-tren-mang-169230930082304201.htm