Bản Lềm vào vụ dưa

Hiện nay, bản Lềm, xã Huy Tân (Phù Yên) có 130 hộ trồng trên 23 ha dưa hấu, dưa chuột, dưa lê, dưa bở... sản lượng đạt bình quân 400 tấn/vụ, trừ chi phí thu lãi 2 tỷ đồng, mang lại thu nhập cao cho người trồng dưa, góp phần giảm số hộ nghèo trong bản từ 76 hộ năm 2015 xuống hiện còn 22 hộ.

Diện tích ruộng một vụ được bản Lềm, xã Huy Tân (Phù Yên) chuyển sang trồng các loại dưa.

Nói về việc phát triển cây dưa ở bản, anh Hà Trung Thiêu, Trưởng bản Lềm, xã Huy Tân cho biết: Bản Lềm có 150 hộ dân, với 28,5 ha đất trồng lúa. Nguồn nước tưới phụ thuộc vào dòng suối Liến chảy qua cánh đồng, nhưng từ tháng 5 trở đi mới có nước. Vì vậy hằng năm, bà con chỉ canh tác được một vụ lúa mùa, thời gian còn lại diện tích ruộng trở thành bãi chăn thả gia súc. Để tận dụng diện tích ruộng, năm 2012, cấp ủy, Ban quản lý bản đã vận động một số hộ trong bản trồng thử nghiệm các loại cây dưa trên đất ruộng. Điều mừng là, cây dưa phát triển tốt, năng suất, chất lượng đạt cao, bán được giá, do vậy bản đã khuyến khích các hộ mở rộng diện tích trồng các loại cây dưa trên chân ruộng 1 vụ. Trong quá trình sản xuất, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã về bản hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh, lựa chọn giống dưa tốt để thâm canh. Nhiều hộ có thu nhập từ 30-75 triệu đồng/vụ dưa, như gia đình các ông, bà: Mùi Thị Thống, Nguyễn Văn Chai, Phùng Thế Inh...

Chúng tôi đến thăm diện tích trồng dưa của gia đình anh Đinh Văn Hướng, bản Lềm, anh chia sẻ: Gia đình tôi trồng 5.000 m² các loại cây dưa, sản lượng đạt từ 10-15 tấn quả/vụ. Riêng năm 2019, gia đình thu hoạch 15 tấn dưa các loại, bán được 75 triệu đồng, trừ chi phí lãi 55 triệu đồng. Chủ yếu là tiêu thụ trên địa bàn huyện, một phần được tư thương ở miền xuôi lên thu mua. Trồng dưa tuy mất nhiều công, nhưng bù lại cho thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng lúa.

Anh Vì Văn Khánh, bản Lềm, xã Huy Tân chăm sóc vườn dưa chuột.

Theo những người trồng cây dưa ở bản Lềm, do khí hậu mát mẻ, đất màu mỡ, nên các loại dưa phát triển tốt, dưa có vị thơm, ngọt, mát. Thời gian thích hợp để trồng dưa là sau Tết Nguyên đán, bà con làm đất, chuẩn bị phân bón, giống và đến khoảng đầu tháng 3 bắt đầu gieo hạt. Trồng dưa không mất quá nhiều thời gian, riêng loại dưa chuột sau trồng khoảng 45 ngày là đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, còn các loại dưa hấu, dưa lê và dưa bở thì khoảng 2 tháng là được thu hoạch. Kỹ thuật trồng dưa không quá phức tạp, cày ải đất, vun luống, dùng phân chuồng bón lót, rồi gieo hạt, tưới ẩm, khi dưa phát triển được từ 2-3 lá thì phun thuốc phòng trừ sâu, rệp, bón thúc phân đạm; đến thời điểm dưa ra hoa, phun thuốc đậu quả và bón thêm phân ka li để ngọt quả. Hiện, bà con trong bản đều tuân thủ phương thức canh tác bền vững, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, trong đó không dùng thuốc trừ cỏ mà hoàn toàn làm cỏ bằng phương pháp thủ công (nhổ cỏ bằng tay); trước khi thu hoạch quả một tháng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là các loại cây dưa, đời sống nhân dân bản Lềm đã từng bước được nâng lên. Bản đã có kế hoạch trồng các loại cây dưa trên toàn bộ diện tích đất ruộng của bản. Trong quá trình đó, bản Lềm rất mong được các cơ quan chuyên môn tiếp tục chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ban-lem-vao-vu-dua-30463