Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tăng cường đổi mới hoạt động giám sát

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND tỉnh đã tích cực đổi mới hoạt động giám sát, lựa chọn những vấn đề mà cử tri quan tâm để giám sát nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua hoạt động giám sát, Ban KT-NS đã có những kiến nghị, đề xuất xác đáng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tham gia cùng Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại một dự án nhà máy điện gió ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: H.T

Thực hiện chức năng giám sát tại kỳ họp, trên cơ sở gợi ý thảo luận và định hướng của chủ tọa ở mỗi kỳ họp, Ban KT-NS đã phân công đại biểu là thành viên ban phụ trách theo các lĩnh vực tập trung nghiên cứu tài liệu, bám sát báo cáo thẩm tra của ban để giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thông qua việc chất vấn, thảo luận và đề xuất ý kiến tại kỳ họp nhằm làm rõ các vấn đề liên quan. Hoạt động giám sát, chất vấn của ban tại các kỳ họp HĐND tỉnh chủ yếu tập trung các nhóm vấn đề về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách, quyết định chủ trương đầu tư công, xây dựng cơ bản, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng…; phần lớn các kiến nghị của Ban KT-NS qua báo cáo thẩm tra đều được chủ tọa kỳ họp kết luận, đưa vào nội dung nghị quyết.

Ban KT - NS cũng đã tổ chức 21 đợt giám sát, khảo sát, hội nghị chuyên đề và tham mưu Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát, khảo sát 11 chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh về lĩnh vực kinh tế, ngân sách tại 176 đơn vị, địa phương. Đã ban hành 17 kết luận sau giám sát và tham mưu Thường trực HĐND tỉnh ban hành 11 kết luận gửi đến HĐND tỉnh và UBND tỉnh để chỉ đạo, thực hiện. Các thành viên đoàn giám sát đã tích cực nghiên cứu, nắm vững nội dung giám sát, xem xét kỹ các báo cáo, kết hợp với các hồ sơ, tài liệu cần thiết có liên quan, chuẩn bị ý kiến có tính chất vấn, phản biện... Quá trình giám sát đã đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết. Khi tiến hành giám sát ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí, kết hợp chặt chẽ giữa hình thức nghe báo cáo và xem xét thực tế để vừa đánh giá tổng thể về lý luận vừa có cái nhìn chi tiết sát với thực tiễn. Qua khảo sát thực tế giúp thu thập thêm thông tin, có xác minh tại chỗ, phát hiện những vấn đề xảy ra ở cơ sở để từ đó làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát một cách hợp lý, tránh tình trạng giám sát chung chung mang tính hình thức. Một số chuyên đề giám sát được dư luận quan tâm thời gian qua như giám sát quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất kiến nghị xử lý thu hồi một số khu đất sử dụng không hiệu quả để giao lại cho nhà đầu tư mới; giám sát tình hình giao dự toán thu ngân sách và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018, thông qua đó xác định được một số nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn có hiện tượng thất thu; giám sát tình hình quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các nhà máy chế biến gỗ, gỗ dăm trên địa bàn tỉnh, kiến nghị không cấp phép đầu tư đối với các nhà máy chế biến gỗ dăm để đảm bảo nhu cầu nguồn nguyên liệu đầu vào, điều chỉnh quy hoạch lại các loại rừng, đồng thời chỉ đạo rà soát, kiểm kê, xác định lại phạm vi quy hoạch ngành sản xuất, chế biến gỗ, gỗ dăm… Kết thúc các đợt giám sát, Ban KT-NS đều kịp thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các địa phương, ngành có liên quan để có sự chỉ đạo, điều hànhvà phối hợp triển khai thực hiện.Thông qua công tác giám sát đã kịp thời phát hiện những hạn chế, sai phạm cần khắc phục trong việc thi hành pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và ngân sách; đồng thời đề xuất, kiến nghị với HĐND và UBND tỉnh về các chủ trương, giải pháp trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Trong hoạt động giám sát, thông qua kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được Ban KT-NS giám sát và kiến nghị đã được UBND tỉnh và các sở, ngành có các biện pháp khắc phục.

Cùng với công tác giám sát, hoạt động thẩm tra cũng được Ban KT-NS tập trung thực hiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quản lý ngân sách ở địa phương. Thông qua công tác thẩm tra, Ban KT-NS đã kịp thời phát hiện những hạn chế cần khắc phục trong việc thi hành pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và ngân sách; đồng thời đề xuất, kiến nghị với HĐND và UBND tỉnh về các chủ trương, giải pháp về lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Bên cạnh đó, lãnh đạo chuyên trách Ban KT-NS đã dành thời gian tiếp công dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân hằng tháng tại trụ sở HĐND tỉnh theo phân công của Thường trực HĐND tỉnh. Một số vụ việc phức tạp đã tham mưu Thường trực HĐND tỉnh tổ chức đối thoại và kết luận chỉ đạo giải quyết như đối thoại vụ ông Hồ Tất Đương, Hồ Tất Đức ở thành phố Đông Hà khiếu nại về việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1; đối thoại giải quyết ý kiến kiến nghị giữa chính quyền, Nhân dân thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt với Công ty TNHH phát triển khoáng sản Duy Tân về dự án nạo vét cát bùn trên sông Hiếu; giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến việc giao đất cho Công ty TNHH Thống Nhất thuê đất khai thác titan tại thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh…

Có thể khẳng định, những đổi mới tích cực trong hoạt động giám sát của Ban KT-NS HĐND tỉnh đã góp phần đưa các chính sách của HĐND tỉnh vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo được niềm tin cho Nhân dân đối với cơ quan dân cử.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=156421&title=ban-kinh-te--ngan-sach-hdnd-tinh-tang-cuong-doi-moi-hoat-dong-giam-sat