Băn khoăn trích một phần tiền phạt cho CSGT!

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính phải tuân theo các chính sách, quy định chung và các luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước

Chiều 22-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Dự kiến dự luật sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho biết Chính phủ đề xuất khoản 1 điều 5 dự luật bổ sung quy định: "Trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của UBTVQH để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng CSGT".

Tại dự thảo luật hồi đầu tháng 3-2024, Bộ Công an đề xuất lực lượng CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt và không thấp hơn 30% tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách. Tuy nhiên, dự thảo luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu (ĐB) QH chuyên trách diễn ra cuối tháng 3 đã bỏ nội dung này.

Góp ý nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng quy định như dự thảo là chưa hợp lý. Xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả phải tuân thủ theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. "Vậy tại sao lĩnh vực này lại đưa ra quy định trích phần trăm tiền xử phạt vi phạm hành chính? Điều này là không thống nhất với chính sách, quy định chung và các luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước" - ĐB Nhi nói.

Dù đồng tình về đề xuất trích lại tiền cho lực lượng CSGT vì lực lượng này làm việc rất cực khổ, trích lại để bồi dưỡng, để trang bị phục vụ công tác, song ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần quy định cụ thể là trích lại bao nhiêu phần trăm. "Nếu trích lại 70% cho CSGT là rất nhạy cảm, nếu trích cao như thế thì CSGT sẽ phạt rất triệt để để được hưởng. Do đó phải quy định cụ thể, không thể nói chung chung "trích một phần", bởi một phần là bao nhiêu: 50%, 70% hay 90%?" - ông Hòa nói.

Góp ý về nội dung trên, ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng đề xuất trích một phần từ khoản tiền xử phạt để tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng CSGT hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. "Do vậy, đề nghị QH xin ý kiến ĐBQH về nội dung này trước khi biểu quyết thông qua" - ông Hận đề xuất.

Đại biểu góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bôẠ̉nh: LÂM HIỂN

Đại biểu góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bôẠ̉nh: LÂM HIỂN

Vẫn bất đồng về nồng độ cồn

Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định này tại khoản 2 điều 10 dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý, đó là "cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Phát biểu thảo luận, ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đồng thuận với đề xuất trong dự thảo luật, tuy nhiên đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật định lượng ethanol (cồn) trong máu, có quy định cụ thể về diễn giải kết quả và giá trị tham chiếu đối với những trường hợp tham gia giao thông cần định lượng nồng độ cồn. Trong nhận định kết quả, cần có quy định đối với trường hợp dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm nhưng cao hơn 0 để phân biệt các trường hợp bình thường không uống rượu vẫn có nồng độ cồn trong máu.

ĐB Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) băn khoăn: "Liệu quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa, có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan hay không?" vì thực tế có những người trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh, không phải do họ sử dụng rượu, bia.

Giấy phép lái xe còn hạn thì vẫn có hiệu lực

Theo UBTVQH, về hạng giấy phép lái xe (GPLX), việc quy định các hạng GPLX tại khoản 1 điều 57 theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008, phân hạng bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước viên 1968 về GTĐB. Đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định các loại GPLX đã cấp theo Luật GTĐB năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực; trường hợp cấp lại thì mới cấp theo quy định của luật này, nên sẽ không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp GPLX.

Về điểm của GPLX, dự thảo quy định người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm GPLX. Trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Ngày 23-5, QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023...

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-khoan-trich-mot-phan-tien-phat-cho-csgt-196240522201702922.htm