Bài 2: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Trước thực tế phát triển của xã hội và công nghệ, cùng với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải thay đổi để tồn tại, phát triển. Nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai đã bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng chuyển đổi số (CĐS).

Ứng dụng công nghệ hiện đại là một trong những yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Trong ảnh: Một DN ngành công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất. Ảnh: VƯƠNG THẾ

Để thúc đẩy, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và CĐS, Đồng Nai đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Theo đó, mục tiêu là từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của DN và hình thành cộng đồng DN ứng dụng công nghệ số trên địa bàn.

* Chuyển đổi để phát triển

Khoảng 3-4 năm trở lại đây, các DN rất chú trọng đến CĐS. Trong đó, bắt đầu từ đưa máy móc hiện đại vào sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp đến là quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) cho hay, Nam Long là DN sản xuất găng tay cao su tốp đầu cả nước, sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Để tăng doanh số xuất khẩu, Nam Long đã tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và sản phẩm bán qua sàn chiếm 20% trong tổng số hàng hóa bán ra thị trường. DN đang ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất để tinh gọn bộ máy, tăng năng suất, chất lượng hàng hóa .

Giám đốc Sở KH-CN LẠI THẾ THÔNG chia sẻ, từ nay đến năm 2025, cộng đồng khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội thụ hưởng những chính sách hỗ trợ của tỉnh. Theo đó, thúc đẩy hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo ông Trần Văn Hải, Giám đốc Nhà máy thực phẩm Vinacoco ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom), DN ứng dụng số hóa vào phân tích quá trình sản xuất qua camera nhằm giảm thiểu các thao tác thừa, gây lãng phí. Điều này giúp cho năng suất của nhà máy tăng lên, số lượng lao động lại giảm xuống. Dữ liệu của nhà máy ngoài các con số, còn có hình ảnh, video hành trình theo ngày, tuần, camera đóng vai trò quan trọng trong thu thập và sao lưu dữ liệu. Tương lai, camera sẽ áp dụng vào việc phân tích và xử lý tình huống, đã có rất nhiều nền tảng như vậy. Ứng dụng nhỏ nhưng sẽ cho hiệu quả cao.

Tuy nhiên, CĐS đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn nên đây là khó khăn cho các DN nhỏ và vừa. Do đó, mức độ ứng dụng công nghệ số trong quản trị sản xuất và kinh doanh còn hạn chế. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có một số chương trình hỗ trợ hội viên phát triển, ứng dụng công nghệ số, kết nối hội viên, nâng cao sức mạnh của mỗi DN. Hội đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo, mời chuyên gia kinh tế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm CĐS cho DN hội viên để áp dụng rộng rãi hơn.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển DN công nghệ số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tạo điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận các nền tảng số để thúc đẩy CĐS.

* Hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng DN, dự án khởi nghiệp

CĐS mang lại lợi ích lớn cho DN và cả xã hội song để ứng dụng diễn ra mạnh mẽ thì không phải dễ dàng. Nhận thấy điều này, thời gian qua, Đồng Nai đã có các chính sách để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ DN.

Đối với chương trình đổi mới công nghệ, Đồng Nai đặt ra nhiệm vụ từ nay đến năm 2025, phấn đấu số lượng DN thực hiện đổi mới công nghệ tăng 5%/năm, đến năm 2030 tăng 10%/năm. Tỉnh sẽ đào tạo, tư vấn cho 1 ngàn kỹ sư, cán bộ quản lý trong DN về đổi mới, nâng cao công nghệ. Đồng Nai đang hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích DN đổi mới công nghệ, liên kết với các tổ chức trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cho hay, Đồng Nai là địa phương có hơn 40 ngàn DN đang hoạt động. Hội Tin học TP.HCM sẵn sàng phối hợp với các hiệp hội, sở ngành triển khai những chương trình đào tạo giúp DN ứng dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh.

Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển khởi nghiệp, hàng năm có thêm hàng ngàn DN thành lập mới. Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tỉnh đã ban hành các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp phát triển.

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông chia sẻ, Sở KH-CN được UBND tỉnh giao chủ trì phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những năm qua, Đồng Nai đã nỗ lực kết nối các thành tố khởi nghiệp. Từ kết nối các nguồn lực trong vùng cho tới kết nối con người với nhau, đồng thời liên kết giữa Nhà nước, nhà trường và DN để hình thành nên các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở KH-CN đang phối hợp cùng với các trường đại học, cao đẳng để xây dựng các vườm ươm, các khu ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp tại các trường.

Vương Thế - Hoàng Hải - Lê Quyên

Bài 3: Nông dân thời đại 4.0

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202304/nhan-dien-hinh-hai-kinh-te-so-o-dong-nai-bai-2-chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep-3163038/