Chiến đấu cơ AV-8B Harrier II là một chiếc máy bay nổi tiếng với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, được trang bị chủ yếu cho Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
Để bảo vệ các tàu dân sự di chuyển trên Biển Đỏ, Hải quân Mỹ không chỉ sử dụng máy bay từ hạm đội tàu sân bay ấn tượng của họ, mà Thủy quân Lục chiến còn triển khai các tàu đổ bộ đa năng mang theo những chiếc Harrier.
Trong chiến dịch này, một phi công thuộc Phi đội Hàng không số 231 của Thủy quân lục chiến Mỹ - Đại úy Earl Earhart, đã tự hào về thành tích đáng chú ý. Anh ta đóng quân trên tàu tấn công đổ bộ đa năng USS Bataan.
Theo Đại úy Earhart, trong thời gian lực lượng Mỹ có mặt tại khu vực, anh ta đã hạ thành công không dưới 7 máy bay không người lái cảm tử của lực lượng Houthi ở Yemen.
Nếu tuyên bố này được xác minh, Earhart sẽ giành được một vị trí danh giá trong lịch sử hàng không Mỹ. Cụ thể, anh ta sẽ đứng đầu với tư cách phi công Mỹ hiệu quả nhất trong việc bắn hạ các mục tiêu trên không kể từ thập niên 1970.
Theo lời viên Đại úy phi công Mỹ, anh ta nhận thấy mình phải thích nghi “nhanh chóng” để sử dụng chiếc Harrier của mình trong vai trò mới - một phương tiện chuyên phòng không.
Loại máy bay này đã được trang bị nhiều vũ khí và khí tài phù hợp cho những thách thức như vậy - bao gồm tên lửa không đối không AIM-120 và AIM-9 thuộc nhiều biến thể, pháo tự động 25 mm GAU-12 Equalizer và radar AN/APG-65.
Khi giao nhiệm vụ cho AV-8B Harrier II thực hiện chức năng phòng không, một trạm radar từ các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ sẽ tham gia dẫn đường. Việc xác định mục tiêu được thực hiện thông qua hệ thống điều khiển hỏa lực Aegis hiện đại.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quá trình đánh chặn máy bay không người lái cảm tử do lực lượng vũ trang Houthi của Yemen phóng qua Biển Đỏ theo lời mô tả bởi một phi công lái chiến đấu cơ Harrier của Mỹ.
Theo Đại úy phi công Earhart, việc bắn hạ các máy bay không người lái cảm tử này thường xảy ra ở khoảng cách gần, bằng cách sử dụng khẩu pháo bắn nhanh 30 mm tích hợp sẵn.
Tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn vô số rủi ro, điển hình như các mảnh vỡ văng ra từ chiếc máy bay không người lái phát nổ có khả năng làm hỏng máy bay đánh chặn.
Việc sử dụng tên lửa không đối không tầm ngắn như AIM-9 cũng đặt ra những thách thức riêng. Máy bay không người lái cảm tử phát ra tín hiệu hồng ngoại thấp, khiến cho đầu dò của tên lửa gặp khó khăn đáng kể trong việc theo dõi chúng.
Một trường hợp tương tự được nêu ra làm ví dụ, đó là việc các phi công lái tiêm kích MiG-29 của Ukraine đã gặp rất nhiều khó khăn khi đánh chặn chiếc UAV tấn công cảm tử Shahed-136 do Iran chế tạo.
Thậm chí trong trường hợp cụ thể, một chiếc MiG-29 Fulcrum đã bị rơi sau khi vướng mảnh vỡ mà UAV Shahed-136 văng ra xung quanh. Trong việc chống lại mục tiêu dạng này, một chiến đấu cơ có tốc độ dưới âm như AV-8B Harrier II có vẻ lại tỏ ra phù hợp hơn nhiều.
Bạch Dương