Ai cần tiêm vaccine theo khuyến cáo mới?

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế đề nghị, thời gian tới, các đơn vị rà soát tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng nguy cơ cao cần tiêm chủng, tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19.

Tại Việt Nam, phần lớn người dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca từ một năm về trước. Ảnh: HỮU KHOA

Tại Việt Nam, phần lớn người dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca từ một năm về trước. Ảnh: HỮU KHOA

Hướng dẫn mới nhất

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo đó, từ tháng 10/2023, cơ quan này đã phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. Hiện, bệnh dịch được kiểm soát, quản lý bền vững nhưng diễn biến trên thế giới vẫn khó lường, khó dự báo bởi các biến chủng phụ mới xuất hiện. Do đó, tiêm vaccine vẫn là giải pháp quan trọng của giai đoạn 2023-2025.

Dựa trên khuyến cáo của nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, Bộ Y tế hướng dẫn, nhân viên y tế, người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, thai phụ, người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào, cần tiêm vaccine phòng Covid-19. Những người này được xếp vào nhóm nguy cơ cao do dễ tiếp xúc với mầm bệnh hoặc hệ miễn dịch kém hơn người bình thường. Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 giúp ngừa bệnh chuyển nặng hoặc tử vong nếu bị lây nhiễm.

“Người chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay một liều, nếu đã tiêm thì thêm một liều cách liều trước đó ít nhất 6 tháng. Riêng phụ nữ có thai tiêm một liều vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên giai đoạn giữa.”, đại diện Bộ Y tế nói thêm.

Bộ Y tế cũng đề nghị, các đơn vị rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng kịp thời và tổ chức triển khai tiêm chủng theo kế hoạch của địa phương.

Trước đây, Việt Nam tập trung tiêm chủng cho tất cả đối tượng, phân theo nhóm từ 5-12 tuổi, từ 12-17 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên. Những người này được tiêm hai mũi cơ bản và tiêm nhắc lại. Hướng dẫn mới chỉ tập trung vào nhóm nguy cơ cao, vì tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ. Năm ngoái, WHO cũng khuyến nghị, trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh không nhất thiết tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 tăng cường, còn nhóm nguy cơ cao như người già nên tiêm nhắc lại theo chu kỳ 6-12 tháng một lần. Khuyến nghị này được WHO đưa ra trong bối cảnh toàn cầu đã bước sang một giai đoạn mới của đại dịch, nhiều quốc gia coi Covid-19 như mầm bệnh theo mùa.

Khuyến cáo tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19

Đầu tháng 5/2024, biến thể Covid-19 mới có tên KP.2 lan nhanh ở Mỹ, Anh và Canada, được cho là có khả năng “né” miễn dịch tốt hơn tất cả các biến thể trước đây. Tại Đông Nam Á, Singapore cũng đang đối mặt làn sóng Covid-19 mới, với số ca nhiễm tăng trong những tuần qua, chiếm ưu thế là JN.1 và các dòng con của JN.1, gồm: KP.1 và KP.2.

Tại Việt Nam, biến thể gần đây nhất được ghi nhận và được ngành y tế khuyến cáo theo dõi là JN.1. Đây là biến thể thuộc nhóm cần quan tâm theo phân loại của WHO. WHO vẫn tiếp tục khuyến nghị triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi tăng cường, mũi bổ sung ở các đối tượng nguy cơ cao.

Về vaccine phòng Covid-19, cả nước còn khoảng 400.000 liều vaccine Pfizer, hạn dùng đến cuối tháng 9/2024. Riêng vaccine AstraZeneca, Việt Nam đã dừng tiêm từ giữa năm 2023.

Ông Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Mặc dù đã được chuyển sang nhóm B nhưng theo chương trình hỗ trợ vaccine nên hiện các mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn được thực hiện miễn phí”.

Trước thông tin vaccine phòng Covid-19 nhãn hiệu AstraZeneca có thể gây cục máu đông, WHO tại Việt Nam cho biết, đây là phản ứng phụ vô cùng hiếm; nếu có phản ứng thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 3-20 ngày sau tiêm. Tại Việt Nam, người dân đã tiêm vaccine này từ cách đây hơn một năm, rất xa khoảng thời gian có thể gặp các trường hợp phản ứng phụ. Bởi vậy, WHO cùng các chuyên gia quốc tế, cũng như cơ quan quản lý cho rằng, không có bất cứ điều gì đáng lo ngại hay báo động.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19, là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ cao nhất thế giới với tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỷ lệ tiêm mũi thứ tư cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, người dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cách đây hai năm không cần quan tâm về tác dụng phụ này nữa, bởi chúng chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định sau tiêm. Một người bình thường vẫn có hiện tượng tăng đông, thí dụ khi bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, cũng gây tiểu cầu thấp. Khi gặp trường hợp này dân không nên “đổ lỗi” cho việc từng tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca.

“Nếu quá lo sợ, bạn có thể đi tầm soát bệnh đột quỵ để theo dõi các chỉ số mỡ máu, huyết áp. Khi có hiện tượng tắc mạch, người dân phải khám chuyên sâu hơn”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202405/them-bien-chung-phu-covid-19-ai-can-tiem-vaccine-theo-khuyen-cao-moi-1011427/