6 câu hỏi phỏng vấn thường gặp khi tìm việc tại agency

Phỏng vấn tại các agency không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn yêu cầu ứng viên thể hiện được hệ sinh thái kỹ năng liên quan đến vị trí ứng tuyển.

Để tự tin hơn và sẵn sàng chinh phục những màn hỏi xoáy đáp xoay từ nhà tuyển dụng, dưới đây là một số câu hỏi phỏng vấn thường gặp, lý do tại sao chúng được đặt ra và hướng dẫn cách trả lời sao cho ấn tượng và đúng trọng tâm nhất.

Kinh nghiệm làm việc của bạn có liên quan như thế nào với vị trí ứng tuyển?

Theo các chuyên gia nhân sự CareerLink, câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp của bạn với vị trí công việc mà bạn ứng tuyển. Thông qua câu hỏi này, họ muốn biết liệu bạn có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để đảm nhận nhiệm vụ mới hay không.

Nên trả lời như thế nào?

Hãy tập trung vào những kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến vị trí bạn ứng tuyển. Trình bày một cách cụ thể và chi tiết về những dự án bạn đã thực hiện, các kỹ năng bạn đã phát triển và chúng có mối liên hệ như thế nào với công việc mới.

"Trong 3 năm qua, tôi là người chịu trách nhiệm chính cho các chiến dịch marketing trên mạng xã hội của công ty A. Một trong những dự án thành công nhất của tôi là chiến dịch B, giúp công ty tăng doanh số bán hàng trực tuyến lên 35%. Kinh nghiệm này đã giúp tôi nắm vững kỹ năng phân tích dữ liệu và tối ưu hóa chiến dịch, những yếu tố mà tôi tin rằng sẽ rất hữu ích cho vị trí mà tôi đang ứng tuyển."

Tại sao bạn muốn làm việc tại agency của chúng tôi?

Nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn có thực sự hứng thú và có tính cam kết với công ty của họ hay chỉ đơn giản là đang tìm kiếm một công việc bất kỳ mà thôi.

Nên trả lời như thế nào?

Hãy nghiên cứu thật kỹ về agency bạn đang ứng tuyển và nêu rõ những điểm mạnh của công ty khiến bạn ấn tượng. Đồng thời, liên kết những điều này với mục tiêu nghề nghiệp của bạn để thể hiện sự cam kết của bạn đối với công ty.

"Tôi đã theo dõi các hoạt động của công ty trong một thời gian dài và tôi đặc biệt ấn tượng với chiến dịch C của quý công ty, không chỉ vì sự sáng tạo mà còn vì tác động tích cực của nó đối với cộng đồng. Tôi mong muốn được làm việc trong một môi trường năng động, sáng tạo như quý công ty để có thể học hỏi và phát triển kỹ năng của mình hơn nữa, đồng thời đóng góp công sức vào những dự án mang lại giá trị cho xã hội."

Bạn từng làm việc với những thương hiệu lớn nào? Hãy chia sẻ về trải nghiệm đáng nhớ nhất của bạn khi hợp tác với đối tác?

Thông qua câu hỏi phỏng vấn này, nhà tuyển dụng muốn biết bạn có kinh nghiệm làm việc với các thương hiệu lớn hay chưa và có khả năng quản lý các dự án phức tạp hay không. Bên cạnh đó, họ cũng muốn biết những thương hiệu bạn từng hợp tác có sự tương đồng với những khách hàng mà họ đang chăm sóc hay không.

Nên trả lời như thế nào?

Đừng ngần ngại "flex" chân thực về những khách hàng VIP của bạn cũng như những thành tựu mà bạn từng đạt được. Đương nhiên, chia sẻ về một thất bại đáng nhớ và bài học bạn rút ra cũng là một ý tưởng không tồi.

Trong 3 năm làm việc tại agency, tôi từng chịu trách nhiệm cho chiến dịch marketing của nhiều thương hiệu lớn như A, B, C. Trong đó, có nhiều dự án có thể bạn đã từng nghe đến như X, Y, Z. Tuy nhiên, trong một chiến dịch quảng cáo lớn, chúng tôi đã không đạt được KPI đề ra vì thiếu sót trong quá trình nghiên cứu thị trường Tuy nhiên, thất bại này đã dạy tôi tầm quan trọng của việc thấu hiểu khách hàng. Từ đó, tôi luôn đảm bảo rằng mỗi chiến dịch tôi thực hiện đều dựa trên nền tảng dữ liệu vững chắc.

Hãy chia sẻ về dự án mà bạn tự hào nhất?

Nhà tuyển dụng muốn hiểu rõ hơn về những thành tựu của bạn và cách bạn đánh giá như thế nào là thành công.

Nên trả lời như thế nào?

Hãy chia sẻ về một dự án bạn phụ trách và đạt được kết quả ấn tượng. Trình bày chi tiết về vai trò của bạn, những thách thức bạn đã gặp phải (nếu có) và cách bạn vượt qua chúng.

Một trong những dự án tôi tự hào nhất là chiến dịch "Back to School" cho thương hiệu A. Mục tiêu là tăng doanh số bán hàng lên 50% trong mùa tựu trường và chúng tôi đã quyết định sử dụng một chiến lược quảng cáo tích hợp, bao gồm cả truyền thông xã hội và quảng cáo ngoài trời. Tôi đã làm việc cùng đội ngũ sáng tạo để đảm bảo mọi thông điệp quảng cáo đều nhất quán và hấp dẫn. Kết quả là doanh số bán hàng tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Chiến dịch đó không chỉ nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng mà còn giúp tôi và đội ngũ của mình giành được giải thưởng "Chiến dịch của năm".

Phong cách lãnh đạo của bạn là gì? Bạn sẽ làm gì nếu có mâu thuẫn với đồng nghiệp?

Câu hỏi này thường được đưa ra khi bạn ứng tuyển vị trí Senior trở lên vì khả năng giải quyết xung đột và làm việc nhóm là yếu tố then chốt trong môi trường agency. Nhà tuyển dụng muốn chắc chắn rằng bạn có thể duy trì sự hòa hợp và hiệu quả làm việc trong đội ngũ.

Nên trả lời như thế nào?

Hãy mô tả phong cách lãnh đạo của bạn và đưa ra một ví dụ cụ thể về cách bạn xử lý xung đột trong đội ngũ của mình.

Phong cách lãnh đạo của tôi là lắng nghe và tìm ra điểm tương đồng. Tôi tin rằng mọi ý kiến đều đáng giá và khuyến khích các thành viên trong nhóm bày tỏ quan điểm của họ. Khi có mâu thuẫn, tôi thường tổ chức một buổi thảo luận để mọi người có cơ hội nói lên suy nghĩ của mình. Trong một dự án trước đây, các thành viên trong team có mâu thuẫn về hướng phát triển ý tưởng. Tôi đã tổ chức một buổi họp nhóm và lắng nghe từng ý kiến. Sau đó, chúng tôi đã tìm ra giải pháp kết hợp những điểm sáng trong ý tưởng của từng thành viên. Điều này không chỉ giải quyết mâu thuẫn trong team mà còn giúp chúng tôi tạo ra một chiến dịch độc đáo.

Nếu công ty nhận bạn, bạn sẽ mang lại những giá trị gì cho công ty?

Thông thường, từ vị trí Senior trở lên nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn chia sẻ về những giá trị bạn mang lại thay vì chia sẻ về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Lưu ý rằng từ khóa "giá trị" khó hơn rất nhiều và mang ý nghĩa sâu hơn so với "điểm mạnh". Dù môi trường làm việc và vị trí bạn đảm nhận có thay đổi thì giá trị của bạn vẫn không thay đổi. Nếu giá trị bạn mang lại ăn nhập với giá trị của công ty thì đôi bên mới có thể đồng hành cùng nhau dài lâu.

Nên trả lời như thế nào?

Hãy tập trung vào những kỹ năng và kinh nghiệm đặc biệt mà bạn tin rằng sẽ mang lại lợi ích cho công ty. Trình bày một cách cụ thể, rõ ràng và không lan man.

Nếu được nhận, tôi sẽ dùng kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực marketing kỹ thuật số cùng kỹ năng phân tích dữ liệu mạnh mẽ để xây dựng và triển khai các chiến dịch quảng cáo sáng tạo, nhắm đúng mục tiêu khách hàng và tối ưu hóa chi phí cho công ty. Ngoài ra, tôi luôn đặt mục tiêu không chỉ hoàn thành công việc mà còn tạo ra những giá trị bền vững, góp phần vào sự phát triển lâu dài và của công ty.

Hiểu rõ lý do đằng sau những câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng để chuẩn bị đáp án phù hợp sẽ giúp bạn tự tin hơn và tăng tỷ lệ thành công. Hãy biến mỗi câu trả lời thành một câu chuyện thú vị, thu hút và đầy sức thuyết phục để chinh phục công việc mơ ước của mình!

Trang Đoàn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/6-cau-hoi-phong-van-thuong-gap-khi-tim-viec-tai-agency-172240527150525989.htm