Xử phạt người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH, ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam về ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động (LĐ) Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp và người sử dụng LĐ hàng tháng được thực hiện như sau: Người LĐ đóng 10,5% mức tiền lương tháng (gồm: 8% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ BHTN; 1,5% vào quỹ BHYT); người sử dụng LĐ hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN của người LĐ mức 21,5% (gồm: 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 1% vào quỹ BHTN; 3% vào quỹ BHYT).

Tổng cộng tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng của người LĐ và người sử dụng LĐ là 32%.

Riêng cán bộ, công chức làm việc trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà không phải làm việc theo hợp đồng LĐ thì không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Như vậy, tỷ lệ đóng BHXH, BHYT hàng tháng của cả người LĐ và người sử dụng LĐ là 30%.

Trường hợp đơn vị sử dụng LĐ chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo phương thức đóng quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng LĐ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó:

- Đối với hành vi chậm đóng BHXH, BHTN: Tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng LĐ có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN. Đối với tổ chức, mức phạt gấp 2 lần mức phạt nêu trên. Ngoài ra, người sử dụng LĐ còn phải nộp lại số tiền chậm nộp và khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu người sử dụng LĐ không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng LĐ để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH.

- Đối với hành vi chậm đóng BHYT: Tại Điều 49 Luật BHYT; khoản 3, Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khoản 2, Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hành vi chậm đóng BHYT thì tùy thuộc vào số lượng người LĐ bị vi phạm, người sử dụng LĐ có thể bị phạt hành chính từ 1-40 triệu đồng. Ngoài ra, khi chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, người sử dụng LĐ sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Đồng thời, người sử dụng LĐ phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người LĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người LĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Tổng cộng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động là 32% (Ảnh minh họa)

Đối với người LĐ, nếu có hành vi thỏa thuận với người sử dụng LĐ không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng (khoản 1, Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, ngày 17/01/2022).

Người lao động có thể tự kiểm tra việc doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho mình hay không

Cách 1: Kiểm tra trên website của BHXH Việt Nam

Bước 1: Truy cập mục Tra cứu quá trình tham gia BHXH trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam theo đường dẫn: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx.

Bước 2: Người LĐ nhập đầy đủ, chính xác các thông tin được đánh dấu sao (*)

Người LĐ nhập lần lượt: Tỉnh/thành phố >> Cơ quan BHXH (theo địa phương nơi công ty có trụ sở và đóng BHXH) >> Nhập số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân >> Nhập họ tên >> Mã số BHXH >> Điền số điện thoại đã đăng ký với cơ quan BHXH.

Bước 3: Tích chọn Tôi không phải là người máy >> Bấm lấy mã tra cứu.

Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại của người LĐ >> Tra cứu.

Bước 5: Xem quá trình đóng BHXH của mình.

Hệ thống sẽ cập nhật đến thời gian đóng BHXH gần nhất mà công ty hiện đóng cho người LĐ.

Nếu công ty nợ đóng BHXH nhiều tháng, hệ thống cũng hiển thị rõ số tháng nợ đóng tại phần thông tin tham gia BHXH của người LĐ.

Cách 2: Kiểm tra trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số

Điều kiện để kiểm tra thông tin đóng BHXH thông qua ứng dụng VssID là người LĐ phải có tài khoản giao dịch điện tử và mật khẩu do cơ quan BHXH cấp để đăng nhập ứng dụng VssID.

Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản giao dịch điện tử đã được cấp.

Bước 2: Tại giao diện Quản lý cá nhân chọn Quá trình tham gia.

Bước 3: Xem thông tin về quá trình đóng BHXH.

Hệ thống cũng cập nhật đến thời gian đóng BHXH gần nhất mà công ty đang đóng cho người LĐ.

Nếu công ty nợ đóng BHXH nhiều tháng, hệ thống cũng hiển thị rõ số tháng nợ đóng tại phần thông tin tham gia BHXH của người LĐ./.

An Thuận

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xu-phat-nguoi-su-dung-lao-dong-cham-dong-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-a151033.html