Xôn xao vật thể nghi 'trư sa' ở Bình Phước: Có quý như lời đồn?

Một người dân tại tỉnh Bình Phước làm thịt một con lợn thì phát hiện vật thể lạ bị nghi ngờ là cát lợn (trư sa).

Vào sáng 25/9, ông Trần Mạnh Chuân (40 tuổi, ngụ P.Tân Đồng, TP.Đồng Xoài) mổ thịt con lợn lai rừng khoảng 70kg tại nhà. Khi kiểm tra trong dạ dày thì phát hiện có vật thể lạ hình tròn.

Lấy ra rửa sạch, vật này hình tròn như quả trứng, xung quanh đầy lông. Khi đưa lên ngửi có mùi thoang thoảng thơm như thuốc bắc, trọng lượng hơn 100 g.

Thấy vật lạ nên anh Chuân hỏi những người am hiểu thì được khẳng định là "cát lợn" hay còn gọi là " trư sa", một vật được đồn đại là quý hiếm, có giá trị lớn.

Tuy nhiên, trong Đông Y không có định nghĩa nào về "cát lợn" hay "trư sa", và Đông Y cũng không sử dụng bất kỳ vật gì trong dạ dày của lợn để làm thuốc.

Theo các tài liệu y học, chỉ có sỏi mật của trâu, bò (ngưu hoàng), sỏi mật của ngựa (mã bảo) hay sỏi mật của chó (cẩu bảo) mới được dùng để điều chế các vị thuốc thanh tâm, giải nhiệt, lợi đàm, trị co giật, khai khiếu, giải độc,...

Còn “trư sa” trong bao tử lợn thật ra là những chất cặn bã không thể tiêu hóa được và cũng không thể tống ra ngoài theo đường ruột, nên theo thời gian chúng đọng, quắn lại thành một cục.

Vật thể lạ này thường xuất hiện ở lợn nái nuôi lâu năm, bởi lợn nái thường ăn tạp để nuôi con nên nó có thể nuốt luôn các loại lông, tóc vào trong dạ dày.

Về mùi hương của "trư sa" khi đem phơi, đó có thể là mùi hương của các loại rau lá, dây khoai lang... bị quấn, bám vào những sợi lông, tóc nói trên.

Theo GS.TS Trần Quốc Bình - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, trong Đông Y không có vị thuốc nào được gọi là "cát lợn" hay được lấy từ dạ dày lợn để chữa bệnh.

Người dân không nên tin vào những thông tin thổi phồng, không có căn cứ như vậy.

Xem thêm video: Cát Lợn là gì và sự thật về công dụng của Trư Sa Cát Lợn (Nguồn: Cuôc sống TV).

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/xon-xao-vat-the-nghi-tru-sa-o-binh-phuoc-co-quy-nhu-loi-don-1755201.html