Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn
Sơn La là một trong 13 tỉnh, thành phố được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tham gia 2 Đề án lớn về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gồm: Đề án 'Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025' và Đề án 'Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng'. Phóng viên Báo Sơn La đã phỏng vấn bà Cầm Thị Phong, Phó giám đốc Sở NN và PTNT Sơn La về những đề án này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PV: Xin bà thông tin khái quát về Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”?
Bà Cầm Thị Phong: Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 được triển khai tại 46 huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố. Sơn La triển khai Đề án tại các huyện: Mai Sơn, Sông Mã và Mộc Châu với dự kiến xây dựng 11.800 ha vùng nguyên liệu, gần 19.000 hộ được hưởng lợi, các sản phẩm chính là chanh leo, dứa và xoài. Thời gian thực hiện trong 4 năm: Giai đoạn 1 (2022-2023): Tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Giai đoạn 2 (2024-2025): Hoàn thiện các nội dung về Đề án khuyến nông và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho HTX, người dân, phát triển, củng cố nâng cao năng lực cho HTX, thành viên HTX; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông, thực hiện các chính sách...
Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tổ chức thực hiện nhằm xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; tư vấn hỗ trợ hình thành hợp tác xã nông nghiệp; phát triển thị trường liên kết sản xuất; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các hợp tác xã... đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Giai đoạn 1, Đề án được thực hiện thí điểm ở 13 tỉnh, mỗi tỉnh thành lập thí điểm 2 mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Tại tỉnh Sơn La, đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng tại huyện Thuận Châu và Mai Sơn do cán bộ khuyến nông tỉnh là tổ trưởng.
Giai đoạn 2, đánh giá thực hiện Đề án và nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng trong hệ thống khuyến nông. Tỉnh Sơn La dự kiến sẽ nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng tại các huyện, thành phố
PV: Mục tiêu, ý nghĩa của 2 Đề án trên khi triển khai sẽ như thế nào, thưa bà?
Bà Cầm Thị Phong: Đây là 2 đề án có tác động mạnh mẽ đối với ngành nông nghiệp Sơn La. Đối với Đề án phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, tỉnh Sơn La sẽ được đầu tư 7,2 km tuyến giao thông kết nối từ xã Chiềng Sung đến Khu công nghiệp Mai Sơn, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi, dễ dàng, kết nối vùng nguyên liệu chế biến từ các xã đến các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn, đào tạo năng lực quản trị cho HTX, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng; chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho thành viên các HTX, nông dân vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vùng nguyên liệu; xây dựng các mô hình điểm...
Hiện, Công ty cổ phần thực phẩm xuất nhập khẩu Đồng Giao là doanh nghiệp chế biến hoạt động trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tham gia thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện các Đề án trên, tạo mối liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp và ngân hàng. Việc tổ chức sản xuất theo định hướng ứng dụng công nghệ cao, kết nối thông tin thị trường và kết nối sản xuất vùng nguyên liệu chế biến, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh Sơn La.
Đối với đề án khuyến nông cộng đồng, từ hoạt động thí điểm của hai tổ khuyến nông công cộng đồng tại huyện Mai Sơn và Thuận Châu giúp tỉnh tổ chức, đánh giá hoạt động khuyến nông cơ sở, làm tiền đề để tỉnh đề xuất trong định hướng hoạt động khuyến nông, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ HTX nông nghiệp tái cơ cấu sản xuất theo nhu cầu thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu và nội tiêu.
PV: Thưa bà, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Sơn La thực hiện thế nào?
Bà Cầm Thị Phong: Theo Đề án 1088 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh tham gia đề án thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh Sơn La đã có Tổ công tác theo Quyết định số 40 ngày 9/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã có Công văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham mưu cho Tổ công tác theo Quyết định số 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để có hướng đề xuất các phần kinh phí thực hiện đối với nguồn đối ứng của ngân sách địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn!
Phan Trang (Thực hiện)
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xay-dung-vung-nguyen-lieu-dat-chuan-49311