Xây dựng khung pháp lý cho thị trường mua bán tín chỉ carbon tại Việt Nam
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon, cho thấy tiềm năng rất lớn từ nguồn thu này, thậm chí mở ra một ngành kinh doanh mới.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường carbon. Đây là việc cần thiết giúp bảo vệ môi trường thông qua giảm lượng khí thải carbon; đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và tổ chức tăng tài chính, cải cách công nghệ, hướng đến phát triển xanh.
Thúc đẩy phát triển thị trường carbon
Thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải.
Để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là rất cấp thiết.
Theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về số lượng dự án triển khai theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), với 258 dự án được Ban điều hành Cơ chế phát triển sạch phê duyệt và 13 chương trình hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch, tiềm năng gần 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời hạn tín chỉ.
Trong số này, 17 dự án theo Tiêu chuẩn vàng đã phát hành quốc tế hơn 3 triệu tín chỉ, 24 dự án theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm tra đã phát hành hơn 600 nghìn tín chỉ.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon, cho thấy tiềm năng rất lớn từ nguồn thu này, thậm chí mở ra một ngành kinh doanh mới. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện thị trường carbon cũng phát sinh một số bất cập về quy định cũng như áp dụng pháp luật.
Công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường carbon, đảm bảo thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia; đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường carbon và phương thức tạo tín chỉ carbon để có thể giao dịch trên thị trường, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Chỉ thị nêu rõ việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là rất cấp thiết để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 của Việt Nam theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ (Phụ lục IV) và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định, hoàn thành trong quý 3 năm nay…
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường carbon trong nước, trao đổi với quốc tế; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; trong đó có các quy định về quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi tín chỉ carbon trong nước và ra nước ngoài, trình Chính phủ trước ngày 30/7/2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan và địa phương có rừng khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050.
Xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định để làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng với các đối tác quốc tế; hoàn thành trước ngày 31/10 tới.
Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng và quy định chi tiết đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng hấp thụ carbon rừng; xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho khu vực chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp…
Ủy ban Nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định; rà soát, đánh giá hiện trạng các hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ carbon, trao đổi tín chỉ carbon…
Hoàn thiện hành lang pháp lý về thị trường carbon
Phát triển thị trường carbon là một cách để đánh giá và giao dịch các quyền khí thải carbon. Thị trường này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tổ chức có thể mua và bán quyền khí thải carbon như một phần của nỗ lực giảm thiểu khí thải.
Việc xác định giá trị cho khí thải carbon khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu khí thải một cách kinh tế hiệu quả. Đồng thời, thị trường carbon cũng tạo ra cơ hội kinh doanh mới và khuyến khích sự đổi mới công nghệ trong các ngành có thể tạo ra khí thải carbon.
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức và phát triển thị trường carbon, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến đề xuất bổ sung một số quy định.
Cụ thể, quy định hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon bao gồm các quy định về: xây dựng, quản lý hệ thống đăng ký, quy trình đăng ký và trách nhiệm của các bên liên quan trong hệ thống đăng ký.
Hiện nay, các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tín chỉ carbon, thị trường carbon trong nước đã được quy định tại Điều 19 của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Để hướng dẫn chi tiết các hoạt động đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa nội dung này vào nội dung sửa đổi Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT, dự kiến ban hành tháng 9/2024.
Để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề xuất 3 giải pháp thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon.
Trước tiên, cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon; giao các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, cung cấp các nghiệp vụ cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, sinh viên đại học và học sinh phổ thông; tập huấn thực hành ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch thị trường carbon.
Cùng với đó, nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường carbon.
Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị, Chính phủ sớm có hướng dẫn chi tiết về thị trường carbon rừng để các địa phương sớm tiếp cận và chuẩn bị các bước cần thiết cũng như sẵn sàng thực hiện được ngay khi thị trường carbon đi vào hoạt động; tiếp tục có các giải pháp quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; hằng năm quan tâm cân đối, bố trí mục riêng kinh phí cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Ngoài ra, bà Lý Thị Lan nhấn mạnh việc rà soát, sửa đổi bổ sung một số quy định về thực hiện các dự án phát triển kinh tế nông lâm nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng bổ sung các nhiệm vụ chi như hỗ trợ cho trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; hỗ trợ nâng cao chất lượng rừng, điều tra rừng, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, giao rừng…/.