Vượt qua bóng tối, chạm ước mơ: Câu chuyện về nữ sinh khiếm thị học song bằng Đại học

Sống cùng căn bệnh bẩm sinh và chấp nhận nó như một điều thiếu may mắn trong cuộc đời mình, nữ sinh khiếm thị là minh chứng cho ý chí vươn lên và nỗ lực không ngừng nghỉ trước khó khăn.

Tiêu Phương Anh, sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, hiện là sinh viên ngành Văn hóa học và học bằng kép ngành Báo chí tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh ra mang trong mình khiếm khuyết bẩm sinh, điều đó khiến hành trình của Phương Anh trở nên khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Không chùn bước trước khó khăn, nữ sinh luôn cố gắng học tập, năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa. Mới đây nhất, Phương Anh giành được giải Khuyến khích nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Viện.

Tiêu Phương Anh là sinh viên học song bằng Đại học ngành Văn hóa học và ngành Báo chí tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Cuộc phỏng vấn sau đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về câu chuyện của nữ sinh khiếm thị luôn nỗ lực theo đuổi đam mê của mình.

Đối thủ lớn nhất của mỗi người chính là bản thân họ. Chỉ khi chiến thắng bản thân, chúng ta mới có thể chiến thắng mọi khó khăn khác.

Theo chị, việc bản thân là một người khiếm thị có phải là rào cản lớn nhất trong quá trình học tập không?

Đối thủ lớn nhất của mỗi người chính là bản thân họ. Chỉ khi chiến thắng bản thân, chúng ta mới có thể chiến thắng mọi khó khăn khác. Khiếm thị chỉ là khiếm khuyết của bản thân, chứ không phải là rào cản trên con đường học tập của mình. Để thuyết phục được bố mẹ cho mình đi học cũng là cả một vấn đề, mình đã phải dành khá nhiều thời gian ngồi xuống tâm sự cùng bố mẹ. Trong suốt khoảng thời gian học cấp 2, cấp 3, mình đều học tại các ngôi trường phổ thông mà ở đó các thầy cô chưa từng dạy qua học sinh khiếm thị. Để hỗ trợ mình trong quá trình học, bà mình khi đó có mua lại các bộ sách giáo khoa cũ về đọc cho mình viết bài. Hầu hết thời gian mình đều phải tự tìm tài liệu, sách vở, xem những video về các bạn học sinh có hoàn cảnh giống mình làm động lực phấn đấu.

Hành trình theo đuổi đam mê học tập của chị có nhận được sự ủng hộ từ gia đình, người thân không?

Thật ra, hành trình theo đuổi đam mê của mình lúc nào cũng có mẹ, bà và cô sát cánh ở bên, tuy nhiên bố mình lại không mấy ủng hộ việc mình theo đuổi con đường học tập. Bố luôn nghĩ rằng con gái sẽ không thể kiếm được việc làm, sẽ không nơi nào nhận người có khiếm khuyết như mình. Nhưng thực sự mình không nghĩ như vậy, quan trọng là trong quá trình học tập mình đã có sự cố gắng và nỗ lực như thế nào bởi xã hội bây giờ ngày càng bình đẳng, cái nhìn của mọi người về người khiếm thị cũng cởi mở hơn trước rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, khi mình quyết định học thêm một bằng Đại học nữa, mình luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng học tập thật tốt và tìm được một công việc ổn định để chứng minh sự nỗ lực của mình.

Ảnh: NVCC

Có những phương pháp hay công cụ nào hỗ trợ chị trong quá trình học tập không?

Đến khi lên Đại học mình mới được tiếp xúc với những công cụ hỗ trợ người khiếm thị như trình đọc màn hình, chỉ cần dùng con trỏ hoặc nút lên xuống khi di chuyển đến đâu sẽ tự phát ra âm thanh đến đó. Trước đấy mình hoàn toàn sử dụng bảng chữ nổi trong quá trình học.

Chiếc máy tính với trình đọc màn hình là trợ thủ đắc lực của nữ sinh trong quá trình học tập.

Nếu như lúc nào cũng mặc định mình là một người khiếm thị thì tầm nhìn của mình sẽ bị đóng khung cùng với suy nghĩ ấy.

Ở một môi trường năng động như Đại học, việc tiếp cận tài liệu, tham gia thảo luận trên lớp cũng như việc hòa nhập với bạn bè có trở nên khó khăn hơn đối với một sinh viên khiếm thị hay không?

Đại đa số sinh viên khiếm thị sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong quá trình học tập, nhưng đối với bản thân mình thì lại không gặp khó khăn gì. Việc tìm kiếm tài liệu, thảo luận với bạn bè mình đều có thể hoàn thành tốt. Có chăng là khi sử dụng các phần mềm học trực tuyến của Đại học Quốc gia mình sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, mày mò bởi thiết kế của phần mềm đó khá khó sử dụng đối với sinh viên khiếm thị. Mình luôn coi bản thân mình giống như mọi người xung quanh, nếu như lúc nào cũng mặc định mình là một người khiếm thị thì tầm nhìn của mình sẽ bị đóng khung cùng với suy nghĩ ấy.

Chương trình học song bằng đòi hỏi sinh viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và nguồn lực tài chính. Làm thế nào để chị có thể cân bằng giữa việc học hai chuyên ngành khác nhau và đảm bảo chất lượng học tập cho cả hai chương trình?

Nhà trường luôn có nhiều chính sách miễn giảm học phí, học bổng trợ cấp cho sinh viên khuyết tật mỗi kỳ. Khi lựa chọn học bằng kép, có những học kỳ mình phải học tới 30 - 31 tín chỉ. Dù áp lực nhưng mình luôn tự nhủ rằng đã “đâm lao phải theo lao", đây là đam mê của mình, mình phải nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất có thể. Phương pháp học tập của mình thì không có gì nhiều, chủ yếu là mình học hiểu, khi học thuộc các khái niệm thì mình sẽ học theo từ khóa. Ngoài ra trong quá trình học, mình luôn chú ý nghe thầy cô giảng bài và về nhà đọc thêm tài liệu, sách vở.

Nữ sinh nhận chứng chỉ Khóa đào tạo Nghiệp vụ Báo chí Truyền thông năm 2022 (Ảnh: NVCC)

Báo chí là một ngành nghề vất vả và đòi hỏi nhiều kỹ năng trong quá trình làm việc, nhất là tác nghiệp ngoài hiện trường. Chị nghĩ rằng bản thân có thể đảm nhiệm được công việc ở lĩnh vực này không?

Mình nhận thấy rằng bản thân có làm tốt công việc hay không phụ thuộc phần lớn vào việc lựa chọn vị trí, lĩnh vực, chuyên ban phù hợp với bản thân. Chắc chắn rằng ở lĩnh vực nào thì người phóng viên cũng phải cần tới kỹ năng tác nghiệp nhưng mỗi lĩnh vực sẽ có những đặc thù riêng và phương thức tác nghiệp khác nhau. Quan trọng là mình cảm thấy năng lực của mình phù hợp với chuyên ban nào nhất và đầu tư thời gian rèn luyện kiến thức ở lĩnh vực đó.

Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ cũng có đam mê trở thành một nhà báo nhưng còn tự ti, ngại ngùng do bản thân là người khuyết tật hay không?

Đã từng không ít người nói với mình rằng không nhìn thấy thì mình sẽ không thể học ngành này được đâu. Điều quan trọng nhất là mỗi người đều cần phải có ước mơ và dám theo đuổi ước mơ đó. Khi mình đã quyết tâm theo đuổi đam mê đó rồi thì lúc ấy sẽ phải tự đốc thúc bản thân, cố gắng học tập, không nên để lời nói ác ý của những người xung quanh ảnh hưởng tới mình quá nhiều. Đồng thời, nên tạo cho mình những môi trường giao tiếp ôn hòa để khiến mình cởi mở với mọi người xung quanh nhiều hơn, tự tin hơn.

Cảm ơn chị!

Phương Hiền

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/vuot-qua-bong-toi-cham-uoc-mo-cau-chuyen-ve-nu-sinh-khiem-thi-hoc-song-bang-dai-hoc-post1636596.tpo