VN-Index có thể tiếp tục giảm xuống ngưỡng 1.250 điểm trong ngắn hạn

Theo nhận định của công ty chứng khoán, chỉ số vẫn đang giằng co tại vùng giá cao. Trong trường hợp xấu, VN-Index có thể tiếp tục giảm xuống ngưỡng 1.250 trong ngắn hạn...

Chứng khoán ngày 22/5, sau khi phục hồi cuối phiên trước, VN-Index đầu phiên tăng lên vùng giá quanh 1.282 điểm, đỉnh giá phiên giảm mạnh 15/4/2024 và tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh hơn. Kết phiên VN-Index giảm 10,23 điểm (-0,80%) về mức 1.266,91 điểm với thanh khoản gia tăng và đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.255 điểm.

HNX-Index vẫn duy trì tích cực tăng 1,86 điểm (+0,76%) lên mức 245,15 điểm, hướng đến đỉnh giá tháng 03/2024 quanh 245 điểm. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch nghiêng về tiêu cực với áp lực điều chỉnh gia tăng ở vùng kháng cự mạnh khi có 371 mã giảm giá (7 mã giảm sàn), 261 mã tăng (19 mã tăng trần) và 114 mã giữ giá tham chiếu.

Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 30.766,14 tỷ đồng được giao dịch, tăng 17,09% so với phiên trước, vượt mức trung bình cho thấy áp lực điều chỉnh đang bắt đầu gia tăng mạnh hơn và mở rộng sang nhiều mã/nhóm mã.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị 856,92 tỷ đồng, phần lớn đến từ áp lực bán ròng của quỹ Fubon khi quỹ này đang bán ròng 10 phiên liên tiếp, tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép trong VN30; mua ròng trên HNX với giá trị 21,83 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng kém tích cực đến chỉ số khi hầu hết đều giảm điểm, thanh khoản gia tăng mạnh hơn với ABB (-6,59%), VPB (-2,66%), CTG (-1,93%), VIB (-1,77%)... ngoài NVB (+9,47%) tăng giá đột biến, VAB (+2,00%), LPB (+1,97%)...

Các cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng phân hóa, đa số tăng điểm rất tốt trong đầu phiên, sau đó chịu áp lực bán, điều chỉnh cuối phiên, tuy nhiên nhiều mã vẫn tăng giá tốt, thanh khoản khá đột biến như HCM (+2,69%), DSC (+2,32%), VDS (+1,82%)... ngoài các mã giảm giá với VCI (-1,57%), CSI (-1,07%), CTS (-1,03%)...

Mặc dù VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy khi gặp vùng kháng cự mạnh, tuy nhiên thị trường vẫn duy trì nhiều mã/nhóm mã tăng giá tốt, có tính chất luân chuyển như nhóm bất động sản, khu công nghiệp với nhiều mã tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến với CSC (+9,80%), DTD (+9,74%), FIR (+6,99%), HDC (+6,84%), VRC (+6,77%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh như QCG (-3,85%), AGG (-3,44%), TCH (-2,77%)...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến khá nổi bật, tập trung ở các mã chưa tăng nhiều, trên sàn upcom khi tăng giá mạnh, thanh khoản rất đột biến như BSR (+8,00%), OIL (+7,07%), PVC (+3,11%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình PVT (-2,68%), VTO (-1,97%), PVB (-1,95%)... Các mã phân bón vẫn duy trì xu hướng khá tích cực với BFC (+3,76%), LAS (+0,44%).. ngoài DDV (-3,06%), DCM (-0,13%)...

Một số nhóm chịu áp lực điều chỉnh như chăn nuôi với HAG (-4,70%), DBC (-2,00%)..thủy sản VHC (-2,06%), ANV (-1,40%)... dệt may với MSH (-3,04%), VGT (-2,50%), TNG (-2,29%)... xây dựng, vật liệu xây dựng như FCN (-2,52%), KSB (-1,55%), VCG (-1,52%), CTD (-1,51%)...

 Diễn biến VN-Index trong thời gian qua

Diễn biến VN-Index trong thời gian qua

Đầu tư ngắn hạn T+ ở tỷ trọng vừa phải Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Thị trường tiếp tục có diễn biến chốt lời ở vùng đỉnh cũ, tuy nhiên dòng tiền vẫn có sự linh hoạt khi luân chuyển sang các nhóm ngành khác cho thấy tình hình chung vẫn tương đối ổn định.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên tiếp tục hướng đầu tư ngắn hạn T+ ở tỷ trọng vừa phải (40-50%), có thể cân nhắc tận dụng những phiên rung lắc mạnh để giải ngân đối với cổ phiếu thuộc nhóm ngành như dịch vụ chứng khoán, bất động sản, ngân hàng.

Mua từng phần các vị thế trading khi chỉ số lùi về các vùng hỗ trợ Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số VN-Index hình thành mẫu nến giảm điểm thân đặc, đi kèm thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực phân phối ngày càng trở nên rõ nét, đưa trạng thái thị trường trở nên tiêu cực hơn.

Nhiều khả năng quán tính điều chỉnh vẫn tiếp diễn trong những nhịp tới. Mặc dù vậy, xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn tạm thời vẫn đang được bảo lưu và chỉ số có thể có cơ hội hồi phục trở lại tại quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.24x điểm, hoặc xa hơn tại 1.220 (+/-5) điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh mua từng phần các vị thế trading khi chỉ số lùi về các vùng hỗ trợ, gần là 1.24x điểm và trong kịch bản điều chỉnh sâu hơn là quanh 1220 (+/-5) điểm.

Tạm thời hạn chế mua mới Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

VN-Index điều chỉnh phiên thứ hai liên tiếp với áp lực bán có chiều hướng mạnh lên, khiến chỉ số đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày. Thanh khoản cũng gia tăng mạnh với khối lượng khớp lệnh trên HSX tăng 43,2% so với mức trung bình 20 phiên.

Vùng này đang cho thấy áp lực chốt lời có xu hướng gia tăng mạnh và có khả năng sẽ đẩy VN-Index về vùng 1.258-1.260 điểm trong phiên tiếp theo. Nếu giữ được vùng hỗ trợ này thì xác suất cao VN-Index sẽ quay lại xu hướng tăng điểm, còn không khả năng cao sẽ rơi vào điều chỉnh ngắn hạn sau quá trình tăng giá trước đó.

Sau nhiều phiên mua thăm dò khi thị trường chung điều chỉnh, vị thế vẫn đang ở ngưỡng cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận, nên tạm thời chúng ta hạn chế mua mới, đặc biệt ở những mã cổ phiếu chưa có lợi nhuận. Ưu tiên quan sát thị trường tại ngưỡng hỗ trợ 1.258-1.260 điểm, nếu giữ vững thì mới mua thêm trong phiên tới.

VN-Index có thể tiếp tục giảm xuống ngưỡng 1.250 trong ngắn hạn Chứng khoán BIDV (BSC)

Thị trường bật lên đầu phiên sáng, tuy nhiên áp lực chốt lời tại ngưỡng 1.285 đã đẩy chỉ số xuống đóng cửa tại mốc 1.266,91 điểm, giảm hơn 10 điểm so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 11/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Tài nguyên cơ bản dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành Thực phẩm và đồ uống,...

Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HSX và mua ròng nhẹ trên sàn HNX. Lực bán hôm nay khá lớn khi thanh khoản tăng. Chỉ số vẫn đang giằng co tại vùng giá cao. Trong trường hợp xấu, VN-Index có thể tiếp tục giảm xuống ngưỡng 1.250 trong ngắn hạn.

Cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường tiếp tục chịu áp lực chốt lời khi kiểm tra lại vùng 1.280 – 1.285 điểm và lùi bước khá nhanh. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung vẫn đang duy trì áp lực tại vùng cản, tuy nhiên tạm thời dòng tiền vẫn đang có nỗ lực kiềm hãm đà giảm ở vùng giá thấp.

Diễn biến hiện tại cho thấy nguồn cung đang chủ động chốt lời và gia tăng áp lực, tín hiệu này có thể sẽ tác động không tốt đến thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tạm thời thị trường sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.260 – 1.265 điểm và tạo dao động tại vùng 1.260 – 1.278 điểm để kiểm tra cung cầu. Tín hiệu cung cầu tại vùng thăm dò này có thể sẽ ảnh hưởng đến diễn biến tiếp theo của thị trường.

Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại để quan sát cung cầu, tạm thời nên hạn chế vị thế mua mới và tránh rơi vào trạng thái quá mua. Đồng thời, có thể cân nhắc những đợt hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Tạm thời dừng việc mua mới Chứng khoán DSC

Về mặt kỹ thuật, có 3/5 tiêu chí kỹ thuật ở trạng thái tích cực. Nếu 1 trong 2 điều kiện độ biến động thu hẹp hoặc dòng tiền mạnh mẽ hơn thì trạng thái kỹ thuật sẽ đạt tiêu chuẩn.

Nhà đầu tư trung - dài hạn ưu tiên cầm tiền, đây chưa phải thời điểm mua lý tưởng. Bất chấp việc VNI có thể mạnh thêm nữa thì cơ hội mua vẫn chưa phù hợp.

Nhà đầu tư ngắn hạn tạm thời dừng việc mua mới, chỉ giữ lại những cổ phiếu thực sự khỏe đang có lãi, cổ phiếu nào đang lỗ thì phải canh xử lý vì nhiều khả năng đó là cổ phiếu yếu. Cân nhắc vùng mua quanh 1.220-1.250 điểm.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Bảo Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/vn-index-co-the-tiep-tuc-giam-xuong-nguong-1250-diem-trong-ngan-han-post552306.html