Việt Nam là đối tác tin cậy, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

Việc Việt Nam tham dự Hội nghị Tương lai châu Á diễn ra tại Nhật Bản nhằm tiếp tục truyền tải thông điệp 'Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của quốc tế'.

Sự lãnh đạo của châu Á trong một thế giới bất ổn

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dẫn đầu đang tiến hành chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á năm 2024 từ ngày 22 đến ngày 25-5. Tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ trực tiếp có bài phát biểu cũng như trao đổi với các đại biểu. Theo đó, Việt Nam mong muốn truyền tải thông điệp về một đất nước phát triển năng động, quyết tâm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất quán triển khai các đường lối, chính sách về phát triển, đối ngoại mà Đảng đã đề ra, bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, chào đón các nhà đầu tư quốc tế…

Diễn đàn tương lai châu Á năm 2024 nhằm góp phần tìm kiếm giải pháp tạo dựng nền tảng vững chắc hơn cho tương lai

Diễn đàn tương lai châu Á năm 2024 nhằm góp phần tìm kiếm giải pháp tạo dựng nền tảng vững chắc hơn cho tương lai

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995 bởi tập đoàn báo chí tài chính - kinh tế hàng đầu của Nhật Bản Nikkei, Hội nghị “Tương lai châu Á” là diễn đàn tập hợp các chính trị gia, các nhà quản lý kinh tế, học giả từ các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương để cùng thảo luận một cách cởi mở về những vấn đề của khu vực cũng như vai trò của châu Á trên thế giới. Trải qua 28 lần tổ chức, chứng kiến nhiều thăng trầm của khu vực, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 tới đại dịch Covid-19, Hội nghị Tương lai châu Á tiếp tục khẳng định được vai trò là một kênh đối thoại thường niên quan trọng, uy tín để chia sẻ và giải quyết những vấn đề chung của khu vực và quốc tế, thu hút sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao, giới học giả, truyền thông và các tập đoàn lớn tại châu Á.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra bởi bất ổn địa chính trị, kinh tế. Thêm vào đó là các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là khủng hoảng khí hậu chiều hướng ngày càng trầm trọng. Dù vậy, châu Á vẫn là một trong các khu vực mà các tình hình an ninh, chính trị, kinh tế nằm trong tầm kiểm soát, nhất là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, được xem là động lực của kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố ngày 16-5 vừa qua, Liên hiệp quốc đánh giá, kinh tế châu Á nhìn chung tương đối lạc quan, nhất là với khu vực Đông Á (gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á). Theo đó, Liên hợp quốc dự báo, các nền kinh tế ở khu vực Đông Á nói chung sẽ đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 4,5% trong năm sau.

Trong dự báo hồi tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng động lượng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á từ nửa cuối năm ngoái tiếp tục được thể hiện trong năm nay. Theo IMF, kinh tế châu Á tăng trường 4,5% năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10-2023. Trong khi đó, khu vực châu Á đóng góp tới 60% vào tăng trưởng toàn cầu năm 2024 này.

Tuy nhiên, châu Á hiện cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, vẫn có nhiều yếu tố đe dọa tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là việc lãi suất cao được duy trì trong thời gian dài ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới. Bên cạnh các vấn đề kinh tế, cũng có những thách thức khác như công nghệ, an ninh… và nhất là tác động của biến đổi khí hậu với kinh tế-xã hội và cả sự ổn định của khu vực. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Á ghi nhận 79 thảm họa liên quan các sự kiện khí tượng thủy văn năm 2023, trong đó hơn 80% trong số các thảm họa này là lũ lụt và bão, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người.

Do đó, với chủ đề “Sự lãnh đạo của châu Á trong một thế giới bất ổn”, Hội nghị tương lai châu Á năm nay, các đại biểu là các nhà lãnh đạo quốc gia, chính phủ và chuyên gia, học giả sẽ thảo luận nhiều chủ đề, như: triển vọng kinh tế châu Á; hợp tác khu vực để xây dựng hệ sinh thái số; nỗ lực của châu Á trong việc đạt mục tiêu không phát thải (net-zero); vai trò của Nhật-Mỹ-Hàn đối với an ninh Đông Bắc Á, và đặc biệt là triển vọng kinh tế khu vực thời gian tới trước những biến động mạnh mẽ trên thế giới.

Cùng tìm kiếm giải pháp tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai

Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị Tương lai châu Á từ lần thứ 15 vào năm 2009 và liên tục cử đoàn cấp cao tham dự sự kiện thường niên này đến nay. Sự tham gia tích cực và đóng góp liên tục của lãnh đạo cấp cao Việt Nam cho thành công của hội nghị trong 15 năm qua được Ban tổ chức, các đại biểu và phía Nhật Bản đánh giá cao.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, việc tham gia diễn đàn quan trọng như Hội nghị Tương lai châu Á không chỉ để Việt Nam nắm bắt kịp thời các xu thế, chuyển biến và định hướng phát triển mới mà còn là cơ hội để chia sẻ rộng rãi về tư duy phát triển, quản trị và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Đến với hội nghị năm nay, Việt Nam tham gia đánh giá, nhận định về tình hình thế giới và khu vực, phân tích các cơ hội cũng như các thách thức cấp bách; đồng thời cùng các nước tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn, thách thức chung, củng cố lòng tin để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.

Là thành viên có trách nhiệm của châu Á và thế giới, Việt Nam luôn mong muốn chung tay cùng các nước trong nỗ lực duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển, cùng xây dựng một châu Á ngày càng tốt đẹp hơn. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ trực tiếp có bài phát biểu cũng như trao đổi với các đại biểu nhằm tiếp tục truyền tải thông điệp “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của quốc tế”.

Cùng với đó, chuyến thăm, làm việc và tham dự Hội nghị tương lai châu Á của Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dẫn đầu diễn ra khi Việt Nam và Nhật Bản vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng - an ninh, văn hóa-giáo dục, nông nghiệp, y tế, lao động, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương...

Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực, từ đó củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), cùng nhau đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại của mỗi nước.

Đại sứ Phạm Quang Hiệu tin tưởng, với đà phát triển quan hệ hết sức tốt đẹp hiện nay, với nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước vận hội phát triển mới đầy triển vọng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, đúng như thông điệp mà Việt Nam mang tới Hội nghị tương lai châu Á năm nay.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-la-doi-tac-tin-cay-trach-nhiem-cua-cong-dong-quoc-te-post577213.antd