Vì đâu lợi nhuận hai 'ông lớn' ngành bia lao dốc

Vào mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm nhưng doanh số bán hàng của các hãng bia cũng không có sự đột phá do sự ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế khó khăn chung và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn.

Habeco nổi tiếng với thương hiệu Bia Hà Nội. Ảnh: BHN

Theo báo cáo tài chính quý 4/2023, hai "ông lớn" ngành bia Việt là Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) và Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) đều ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống.

Quý 4 thường là quý có doanh thu cao nhất trong năm của các doanh nghiệp kinh doanh bia rượu nhưng Habeco chỉ mang về 2.246 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý 3/2023 và giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý 4/2023 chỉ bằng 60% so với thời điểm cách đây 7 năm, là quý 4/2016.

Doanh thu đi xuống khiến lợi nhuận trước thuế của Habeco giảm 7% xuống 89 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng 24% lên 64 tỷ đồng, nhờ giảm được chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Lũy kế cả năm, Habeco đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, giảm 7,7% và 30% so với năm 2022. Mức doanh thu năm qua của Habeco chỉ nhỉnh hơn chút ít so với năm 2020.

Theo giải trình của hãng bia Hà Nội, nguyên nhân khiến doanh thu năm nay đi xuống chủ yếu do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia và xu hướng tiêu dùng của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động. Ngoài ra, việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023 cũng khiến doanh thu công ty bị ảnh hưởng.

Năm qua, Habeco đã mạnh tay cắt giảm chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, xuống chỉ còn 579 tỷ đồng, so với mức 700 tỷ đồng của năm 2022. Đây là loại chi phí tốn kém nhất của Habeco, chiếm tỷ trọng 48% trong cơ cấu chi phí bán hàng năm 2022 và trước đó là 54% năm 2022.

Sabeco cũng chứng kiến doanh thu thuần quý 4/2023 sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.520 tỷ đồng. Biên lãi gộp tiếp tục cải thiện từ 28% lên 29%, nhờ giá vốn hạ nhiệt.

Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận khác là chi phí quản lý tăng 7% lên 214 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm 50% xuống còn 33 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 7% lên 347 tỷ đồng. Kết quả, Sabeco báo lãi ròng 947 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của “ông lớn” ngành bia Việt Nam trong hai năm qua.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của SAB đạt 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước; lãi ròng đạt 4.118 tỷ đồng, giảm 21%. So với kế hoạch đề ra, SAB thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tương tự Habeco, Sabeco lý giải, do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Cần tìm lối đi thích ứng

Kết quả kinh doanh của hai “ông lớn” ngành bia suy giảm đã được dự báo từ trước, khi nhu cầu tiêu thụ bia và đồ uống - nhóm ngành không phải tiêu dùng thiết yếu ở Việt Nam được dự báo chưa thể phục hồi mạnh. Cộng hưởng với đó là tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP hay còn gọi là Luật DUI (lái xe khi say rượu) được ban hành từ năm 2020.

Theo Chứng khoán Maybank (MSVN), thị trường bia Việt Nam có mô hình tăng trưởng tương đương với Trung Quốc, với độ trễ từ 5 đến 7 năm. Cả hai thị trường đều đang phải đối mặt với luật DUI nghiêm ngặt và mức độ tập trung cao ở một số nhà sản xuất bia chủ chốt (chiếm 70-90% thị phần). Việc ban hành luật DUI chặt chẽ hơn vào năm 2020, cùng với việc xem xét thuế rượu, đã tác động đáng kể đến doanh số bán bia tại Việt Nam, đặc biệt là trên các kênh thương mại.

Do ảnh hưởng kinh tế và thu nhập giảm, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm và lựa chọn những sản phẩm rẻ hơn. MSVN cho rằng điều này đã mang lại lợi ích cho Sabeco trong những năm gần đây do giá thấp hơn, giúp hãng tăng thị phần trong bối cảnh tổng lượng tiêu thụ bia ở Việt Nam giảm. Tuy nhiên, trong dài hạn, xu hướng hướng tới các sản phẩm cao cấp sẽ duy trì, dẫn dắt bởi sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng ngày càng tăng ở Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, MSVN cho rằng các doanh nghiệp bia phải tìm lối đi thích ứng để duy trì tăng trưởng. Và đơn vị phân tích ghi nhận phân khúc bia ít cồn và không cồn đang khá tiềm năng, với xu hướng lành mạnh hóa sức khỏe trong tiêu dùng, tương tự như tiêu thụ đồ ăn, thực phẩm ít đường. Mặt khác, nó cũng giúp hóa giải tác động của luật DUI, làm hạn chế đáng kể doanh số của các doanh nghiệp ngành bia trong các dịp lễ, tết, so với trước đây.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vi-dau-loi-nhuan-hai-ong-lon-nganh-bia-lao-doc-post31571.html