Vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền

Phần thứ nhất trong chuyên đề 'Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới'.

 Lễ thượng cờ trên đỉnh Fansipan. Ảnh: Việt Linh.

Lễ thượng cờ trên đỉnh Fansipan. Ảnh: Việt Linh.

I. Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền.

1. Sự hình thành và phát triển tư tưởng, quan điểm về nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại

Nhà nước pháp quyền được thể hiện trên hai phương diện: (1) Tư tưởng, lý thuyết, quan điểm; (2) Tổ chức quyền lực nhà nước với những mô hình đa dạng, phong phú và có lịch sử lâu đời. Các tư tưởng, lý thuyết, quan điểm và mô hình đó đều hướng vào một ý niệm chung về cách thức tổ chức đời sống chính trị - xã hội theo các yêu cầu bảo đảm dân chủ, công bằng, vì con người trên cơ sở pháp luật; xác lập nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong mối quan hệ pháp luật - quyền lực nhà nước - quyền con người.

Thượng tôn pháp luật với tính chất là hạt nhân của tư tưởng pháp quyền ra đời sớm nhất ở nhà nước Hy Lạp cổ đại. Ở phương Đông, trước hết là trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, tư tưởng dùng pháp luật để trị quốc cũng đã hình thành, phát triển và có những thời điểm đã trở thành quốc sách cai trị của các vương triều. Tư tưởng La Mã cổ đại đã coi pháp luật là hạt nhân của Nhà nước. Vì vậy, ở đó đã sớm hình thành một nền pháp luật trên cơ sở những nền văn hóa phát triển của các đế chế La Mã và Byzantine, với những chế định pháp luật, hệ thống tố tụng phát triển làm công cụ quản lý xã hội và thúc đẩy vai trò của người dân trong đời sống chính trị.

Thời kỳ trung đại kéo dài hàng nghìn năm ở phương Đông và hàng trăm năm ở phương Tây, dưới ách thống trị của các chế độ chuyên chế vương quyền và thần quyền đầy bạo lực và cuồng tín tôn giáo đã làm cho những tư tưởng pháp quyền có được từ thời cổ đại bị đẩy lùi đáng kể, dẫn đến tình trạng kém phát triển kéo dài. Thời kỳ này, pháp quyền không chỉ là tư tưởng, quan điểm, học thuyết mà đã trở thành hiện thực chính trị - pháp lý với sự ra đời của bản Đại hiến chương về các quyền tự do năm 1215 của nước Anh, còn gọi là Hiến chương Magna Carta.

Trong thời kỳ cận đại, khi mà các yếu tố của chủ nghĩa tư bản đã hình thành và phát triển đòi hỏi một trật tự pháp lý mới phù hợp với thế giới quan của giai cấp tư sản mà theo Ph. Ăngghen là thế giới quan pháp lý. Vì thế, các giá trị tư tưởng pháp quyền ra đời từ thời kỳ cổ đại và trung đại được phục hưng và phát triển. Nhà nước được coi là khế ước của xã hội dựa trên nhu cầu bảo đảm và bảo vệ quyền con người; kiểm soát và cân bằng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Các giá trị của pháp luật như công bằng, lẽ phải, gắn với các giá trị đạo đức đã từng bước được khẳng định trong các học thuyết chính trị - pháp lý của lịch sử tư tưởng cận đại.

Trong thời kỳ hiện đại, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vấn đề nhà nước pháp quyền tiếp tục được đặt ra trong những điều kiện mới, nhấn mạnh nhiều hơn đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, chủ nghĩa Hiến pháp và tất cả được đặt trong tổng thể của vấn đề quản trị tốt. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, sau đó là hai bản công ước quan trọng về quyền con người đã được Liên hợp quốc ban hành vào năm 1966 là: Công ước về các quyền dân sự và chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã khẳng định giá trị phổ quát, ý nghĩa toàn cầu của quyền con người và trách nhiệm của các quốc gia trong việc thúc đẩy quyền con người.

Ngày nay, pháp quyền đã trở thành một trong những nguyên tắc phổ biến của quản trị nhà nước dân chủ dựa trên cơ sở thượng tôn hiến pháp và pháp luật, vì con người và bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Các tư tưởng, quan điểm về nhà nước pháp quyền được phổ biến, phát triển trong các cộng đồng quốc tế và ở các quốc gia.

2. Các nguyên tắc pháp quyền và đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền

Các nguyên tắc pháp quyền

Nguyên tắc pháp quyền theo cách tiếp cận tổng quát là nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo về tính tối thượng của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội. Theo cách tiếp cận các yếu tố cấu thành pháp quyền, các nguyên tắc pháp quyền cơ bản trong quản lý nhà nước, tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước gồm: (1) Pháp luật phải rõ ràng, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận; được tôn trọng và thực hiện nghiêm minh, công bằng, bình đẳng, nhất quán; (2) Quyền lực nhà nước được tổ chức và vận hành trong giới hạn, bị kiểm soát, ràng buộc bởi hiến pháp và pháp luật; (3) Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ.

Ngoài ra, các học thuyết, tư tưởng, quan điểm về nhà nước pháp quyền dưới ảnh hưởng của chế độ chính trị, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cụ thể của từng giai đoạn lịch sử và từng quốc gia, khu vực còn đưa ra những yêu cầu, giá trị đặc trưng về nguyên tắc pháp quyền, như thượng tôn hiến pháp, dân chủ, chủ quyền nhân dân, bảo vệ công lý, phân quyền, độc lập của tòa án, sự tham gia của giá trị đạo đức... nhưng nhìn chung đều thống nhất và phù hợp với các nguyên tắc pháp quyền cơ bản nêu trên

Các đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền

Dưới đây là những đặc trưng đã được thừa nhận rộng rãi:

(1) Khẳng định chủ quyền của Nhân dân và vai trò chủ thể của Nhân dân đối với quyền lực nhà nước. Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ, là nguồn gốc chính danh và hợp pháp của quyền lực nhà nước.

(2) Đề cao vai trò của hiến pháp và pháp luật trong hoạt động quyền lực và trong đời sống xã hội, bảo đảm thượng tôn hiến pháp.

Nhà nước phải đặt mình dưới hiến pháp và pháp luật, chịu sự ràng buộc của hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp được coi là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của nền dân chủ và chế độ pháp quyền, thể hiện ý chí, lợi ích của Nhân dân, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tôn trọng, thực hiện, bảo vệ sự tôn nghiêm của hiến pháp được coi là quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi thiết chế nhà nước, tổ chức và công dân. Giám sát tính hợp hiến trong các hoạt động quyền lực nhà nước và bảo vệ sự tôn nghiêm của hiến pháp là để bảo đảm, bảo vệ sự toàn vẹn của chế độ nhà nước, chế độ chính trị và chế độ xã hội.

(3) Tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các giá trị công bằng, công lý.

Yêu cầu về tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người được hình thành trong bước chuyển lịch sử từ “con người - thần dân” sang “con người - công dân” trong nhà nước với các nội dung như quyền được sống, được tự do mưu cầu hạnh phúc, được bình đẳng, có đủ cơ hội để phát triển mọi khả năng của mình, được pháp luật bảo đảm và bảo vệ. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, các công ước quốc tế của Liên hợp quốc năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đều hướng trách nhiệm của nhà nước vào việc tạo lập môi trường đầy đủ và thuận lợi nhất cho việc thực hiện trên thực tế quyền con người, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoặc hạn chế bất hợp pháp quyền con người, đề cao công bằng và bình đẳng, chống mọi biểu hiện phân biệt đối xử về quyền và sự bất công dựa trên chủng tộc, tôn giáo, giới tính. Quyền con người là giá trị gắn liền với pháp quyền, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của nhà nước pháp quyền. Quyền con người được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo hiến pháp và pháp luật. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đều phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Tư tưởng đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người thể hiện tập trung ở chỗ, công bằng, công lý, quyền con người là các giá trị cao cả của xã hội, gắn liền với pháp quyền; hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội phải dựa trên pháp luật; pháp luật phải công bằng, hợp lý và có mục tiêu trọng tâm là bảo vệ quyền con người; nhà nước có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; tư pháp có sứ mệnh, trọng trách bảo vệ công lý, quyền con người; tư tưởng công bằng, bảo vệ công lý, quyền con người là nền tảng của việc xây dựng tố tụng tư pháp.

(4) Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận và được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, hiệu quả.

Bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, thống nhất là mục tiêu của điều chỉnh pháp luật, là yêu cầu đối với quá trình kiến tạo pháp luật, đồng thời là cơ sở để bảo vệ công lý và quyền con người trong nhà nước pháp quyền. Tính minh bạch đòi hỏi pháp luật phải dễ hiểu, được công bố rộng rãi, giúp định hướng hành vi phù hợp pháp luật, bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người khác, đồng thời quy trình lập pháp, thủ tục hành chính và thủ tục tư pháp phải công khai, rõ ràng. Yêu cầu về thủ tục công bằng và chặt chẽ là sự biểu hiện rõ nét nhất nội hàm của nhà nước pháp quyền, giúp người dân biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình để có hành vi phù hợp với pháp luật. Tính dễ tiếp cận là đòi hỏi pháp luật thực sự hướng đến con người trong thực tế, liên quan đến các vấn đề lớn như giải thích pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, dịch vụ tư vấn pháp luật và luật sư, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách xã hội. Tính đầy đủ, kịp thời là yêu cầu xuất phát từ việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, không tạo ra những khoảng trống, bất cập trong hệ thống pháp luật có thể hạn chế hoặc phương hại đến việc thực hiện các lợi ích chính đáng hợp hiến, hợp pháp của người dân và xã hội. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh, nhất quán và hiệu quả để bảo đảm vai trò, hiệu lực của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật.

(5) Phân quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Bản chất của quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân chia thành những nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thống nhất là mặt bản chất của quyền lực nhà nước, phân quyền luôn được hiểu là cơ chế có tính chất tổ chức pháp lý để bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước.

Kinh nghiệm tổ chức quyền lực trong nhà nước pháp quyền tại các quốc gia trên thế giới cho thấy, cơ chế phân quyền, ngoài các đặc trưng phổ biến nêu trên, còn có nhiều biến thể mang dấu ấn và đặc thù quốc gia, dân tộc, văn hóa, chính trị, đặc điểm của hệ thống pháp luật.

(6) Độc lập xét xử của tòa án.

Độc lập xét xử của tòa án được hiểu ở hai mức độ: Sự độc lập giữa các tòa án bên trong hệ thống của mình; Sự độc lập của các thẩm phán khi xét xử. Độc lập xét xử của tòa án là điều kiện để thực hiện chức năng quan trọng của nhà nước - chức năng thực hiện pháp luật công bằng, nghiêm minh, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, duy trì và bảo vệ công lý.

Tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền

Tính phổ biến của nhà nước pháp quyền trước hết thể hiện đây là giá trị, tinh hoa của nhân loại, được hình thành, phát triển trong lịch sử lâu dài, được kiểm nghiệm và thể nghiệm trong thực tiễn tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước. Tính phổ biến của nhà nước pháp quyền thể hiện qua việc được ghi nhận trong hiến pháp của các quốc gia trên thế giới: Trong số 125 hiến pháp của các nước đã có 96 hiến pháp ghi nhận về nhà nước pháp quyền.

Tính đặc thù xuất phát từ trình độ phát triển kinh tế - xã hội; đặc điểm văn hóa, trong đó có văn hóa chính trị và văn hóa pháp lý; truyền thống tổ chức đời sống các cộng đồng dân cư, tính chất và đặc điểm của hệ thống pháp luật...

Khi áp dụng mô hình nhà nước pháp quyền, các quốc gia đều căn cứ trước hết từ những giá trị chung trên cơ sở kết hợp với đặc thù quốc gia, dân tộc. Sự kết hợp đó không cản trở lẫn nhau, trong đó yếu tố không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền là những yếu tố mang tính phổ biến, được đặt trong mối liên hệ thống nhất và hài hòa với các yếu tố có tính đặc thù quốc gia.

Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-de-ly-luan-co-ban-ve-nha-nuoc-phap-quyen-post1382331.html