Ủy ban châu Âu kêu gọi sớm kết nạp Croatia, Romania và Bulgaria vào Schengen
Ủy ban châu Âu (EU) đã kêu gọi chính phủ của các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu không nên để chậm trễ trong quyết định phê duyệt việc mở rộng khu vực Schengen bao gồm Croatia, Romania và Bulgaria.
Trong một tuyên bố mới đây, Ủy ban châu Âu đã xác nhận rằng cả ba ứng viên đều đáp ứng các điều kiện để chấm dứt kiểm soát biên giới với phần còn lại của EU. Quyết định này có thể được đưa ra trước khi nhiệm kỳ Chủ tịch của Séc tại Hội đồng Liên minh châu Âu kết thúc.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Cao ủy châu Âu Ylva Johansson cho biết, 3 quốc gia này xứng đáng trở thành một phần trong Schengen. Thời gian chờ đợi của họ cho điều này là quá lâu.
Từ năm 2011, cơ quan hành pháp của EU đã coi Romania và Bulgaria là những ứng cử viên sẵn sàng gia nhập khối Schengen. Riêng Croatia phải chờ đến năm 2019 mới đạt được điều này. Trong những năm qua, Nghị viện châu Âu cũng đã nhiều lần kêu gọi các thành viên phê duyệt việc mở rộng này. Tuy nhiên, việc mở rộng Schengen chỉ có thể được nhất trí thông qua trong Hội đồng.
Trở ngại chính hiện nay là Hà Lan, quốc gia đã thông qua nghị quyết vào tháng 10 kêu gọi chính phủ ngăn chặn Romania và Bulgaria vào khu vực vì không có sự kiểm soát biên giới. Trong nghị quyết của mình, các nghị sĩ Hà Lan đã chỉ các vấn đề của hai quốc gia bao gồm tham nhũng và tội phạm có tổ chức đồng thời yêu cầu điều tra thêm. Tuy nhiên, theo Ủy ban châu Âu, các nước thành viên đã có tất cả thông tin cần thiết để đưa ra phán quyết tích cực.
Việc mở rộng khu vực đi lại tự do là một trong những ưu tiên của Séc trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng liên minh châu Âu. Theo cao ủy Johansson, Séc có kế hoạch đưa vấn đề chấp nhận ba ứng cử viên vào chương trình nghị sự của các cuộc họp giữa các Bộ trưởng nội vụ vào nửa đầu tháng 12.
Theo Ủy ban châu Âu, việc chấp nhận thành viên mới là vì lợi ích của toàn bộ EU. Nó sẽ đảm bảo rằng Liên minh mạnh hơn, thông qua việc tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài chung của EU và tạo điều kiện tiếp xúc giữa người dân và doanh nghiệp vì nó mở rộng đáng kể không gian mà không cần kiểm soát biên giới nội bộ.
Tuy nhiên, những tuần gần đây đã cho thấy, việc kiểm soát biên giới trong khối Schengen có thể tạm thời được khôi phục. Do số lượng người di cư đến EU từ Balkan ngày càng tăng, Séc đã bắt đầu kiểm tra biên giới với Slovakia từ tháng 9. Vì điều này, Slovakia đã cáo buộc Séc không tuân thủ Bộ luật Schengen và thỏa thuận song phương về việc hồi hương người di cư./.