TS. Nguyễn Tiến Luận: 'Học mà không biết mục đích thì vô cùng lãng phí'

TS. Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi khẳng định, nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên có ước mơ và khát vọng vươn lên.

Thời gian gần đây, nổ ra nhiều tranh luận xung quanh câu chuyện học sinh vào THPT rồi tiếp tục lên đại học thì có thất nghiệp không? Học ngành gì, học ở đâu để có được kỹ năng tốt, có cơ hội tìm việc làm phù hợp? Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi nhận định, vào đại học không phải con đường duy nhất để thành công, nhưng khi đã chọn đại học cần tính toán thật kỹ chuyên ngành phù hợp với năng lực của bản thân và tìm hiểu chất lượng đào tạo của trường đó ra sao trước khi nộp hồ sơ.

PV: Thưa TS. Nguyễn Tiến Luận, kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần và sau đó có hàng trăm nghìn thí sinh sẽ ứng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Rất nhiều gia đình băn khoăn, liệu rằng học đại học xong có thất nghiệp không?

TS. Nguyễn Tiến Luận: Đây là vấn đề không mới nhưng luôn có tính thời sự bởi vì chúng ta chưa giải quyết triệt để được vấn đề hệ thống đào tạo.

Trước mỗi kỳ tuyển sinh đại học khi làm công tác tư vấn thì chúng tôi chia sẻ rất cặn kẽ với các thí sinh, để giúp các em làm rõ mục tiêu học đại học để làm gì? Học tập là một chuyện tốt, nhưng học mà không biết mục đích hướng đến thì thật lãng phí. Đấy là còn chưa kể học tập thiếu nghiêm túc, có cái mác thạc sĩ nhưng trình độ thì chẳng thay đổi.

Nhiều em chọn ngành nghề sai ngay từ ban đầu cho nên sau 4 năm học đại học lại quay sang học một nghề khác chỉ ở bậc trung cấp hoặc cao đẳng, thế là rất lãng phí.

Vì vậy chúng tôi làm công tác tư vấn tuyển sinh không phải là chỉ giới thiệu về các ngành nghề của Trường đại học Nguyễn Trãi mà còn tư vấn giúp các em và gia đình lựa chọn tốt nhất, phù hợp với thực tế, mục tiêu là làm sao chọn ngành đúng khả năng và có việc làm, còn sau đó phát triển tiếp thế nào là do sự nỗ lực của từng em. Chính vì thế có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi chúng tôi tư vấn cho một số trường hợp nên chọn hướng học nghề thay vì vào đại học.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng làm rõ băn khoăn về cơ hội việc làm, không sợ bị thất nghiệp khi học tập tại Trường đại học Nguyễn Trãi với cam kết cụ thể. Tôi tin rằng không nhiều trường dám đưa ra cam kết với sinh viên.

TS. Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi

PV: Như vậy là trong một thế giới phẳng cạnh tranh khốc liệt thì cơ hội của sinh viên Việt Nam rất lớn nhưng cũng rất nhiều thách thức, thưa ông?

TS. Nguyễn Tiến Luận: Chúng ta đều biết giáo dục đóng vai trò là nền tảng, vậy nên trong một thế giới phẳng, thanh niên Việt Nam cần được tạo điều kiện thuận lợi để hòa nhập với thế giới một cách nhanh nhất.

Năm 1996, khi chưa thành lập Trường Đại học Nguyễn Trãi, tôi đã bắt đầu tổ chức công tác du học, đưa hàng chục nghìn học sinh ra nước ngoài, học tập ở nhiều trường đại học trên thế giới.

Tuy nhiên, con đường du học cũng đầy khó khăn, tốn kém. Từ thực tế đó, tôi ấp ủ mong muốn xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu "xuất khẩu giáo dục tại chỗ".

Trong xu hướng hợp tác của thế kỷ XXI, nếu thực sự cải cách được nền giáo dục, đặc biệt là xây dựng được một trường đại học mang đẳng cấp quốc tế thì không chỉ thu hút sinh viên Việt Nam, mà còn hút sinh viên của cả khu vực; giải quyết được hai vấn đề rất lớn:

Thứ nhất, hạn chế tình trạng hàng tỷ USD liên tục chạy theo chân du học sinh ra nước ngoài. Với khả năng hiện nay của Việt Nam, không thể có được những trường như Harvard hay Cambridge, nhưng hoàn toàn có thể xây dựng được những trường tốt nhất Đông Nam Á.

Thứ hai, khi quyết tâm xây dựng những trường đại học có đẳng cấp quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các quốc gia có nền giáo dục mạnh tiên tiến nhất thế giới, thu hút được các chuyên gia hàng đầu.

Từ đó, Việt Nam sẽ xây dựng được đội ngũ nhân lực có trình độ cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động trong nước, mà hoàn toàn có thể tạo nên những dấu ấn trên thị trường Đông Nam Á và xa hơn là toàn châu Á.

PV: Và đó cũng là lý do mà mô hình giảng đường doanh nghiệp trở thành xu hướng đào tạo hiệu quả, thưa ông?

TS. Nguyễn Tiến Luận: Trong suốt quá trình tuyển sinh và đào tạo, nhà trường lấy thông điệp “Nguyễn Trãi - Khát vọng tuổi thanh xuân” là động lực truyền cảm hứng để tập thể nhà trường hỗ trợ hiệu quả cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Mô hình đào tạo "giảng đường doanh nghiệp" giúp cho sinh viên được trải nghiệm thực tế tới 70%, chỉ còn 30% lý thuyết.

Chúng tôi tổng kết có 5 điểm nổi trội NTU đã đạt được và đang tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới:

Một là, hỗ trợ sinh viên khởi đầu ước mơ: NTU cam kết hỗ trợ sinh viên có ước mơ và khát vọng vươn lên. Năm 2024, nhà trường hỗ trợ 4 triệu đồng cho mỗi sinh viên nhập học để mua laptop, giúp các em sẵn sàng cho hành trình học tập tại Nhà trường và Hệ thống giảng đường doanh nghiệp.

Hai là, mô hình đào tạo gắn kết doanh nghiệp: Trường đại học Nguyễn Trãi triển khai chương trình đào tạo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, ngoài học tại trường sinh viên còn được học tập, trải nghiệm tại hệ thống hơn 100 giảng đường doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Dưới sự huấn luyện của các giảng viên, chuyên gia đến từ doanh nghiệp đảm bảo sinh viên có đủ năng lực, kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm thực tiễn, đáp ứng ngay yêu cầu tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Với sứ mệnh “Tiên phong đầu tư đào tạo công dân toàn cầu” chương trình đào tạo chú trọng đến ngoại ngữ, sinh viên được lựa chọn các ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Đức. Điều này sẽ giúp sinh viên tham gia các chương trình giao lưu trao đổi sinh viên, du học chuyển tiếp với các trường đại học nước ngoài. Đặc biệt sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực ngoại ngữ làm việc trong môi trường doanh nghiệp đa quốc gia.

Sinh viên được rèn luyện các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, quản lý thời gian, tư duy sáng tạo, văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà trường thúc đẩy tinh thần Khởi nghiệp thông qua các chương trình huấn luyện, cuộc thi khởi nghiệp.. .khuyến khích thành lập doanh nghiệp, nơi sinh viên có thể tham gia đề xuất ý tưởng sáng tạo và hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên quê hương.

Ba là, hoạt động câu lạc bộ sôi nổi: NTU rất chú trọng đến các hoạt động câu lạc bộ, giúp sinh viên phát triển toàn diện. Hiệu trưởng nhà trường sử dụng các chỉ số đánh giá sự hài lòng của giảng viên và sinh viên để đảm bảo môi trường học tập hạnh phúc. Các câu lạc bộ như: CLB Suzume – Ngôn Ngữ Nhật; CLB Hán ngữ Đại Hùng Miêu; CLB Đọc sách; CLB Truyền thông 6T...

Để giúp sinh viên có môi trường học tập, hạnh phúc, nhà trường có những cách tiếp cận thông tin sáng tạo độc đáo để sinh viên phản hồi ý kiến và nhà trường có phản hồi thường xuyên trong tuần, tháng, đó là “thùng trút giận” và “thùng sáng tạo" để thu thập ý tưởng khả thi, nhà trường sẽ đầu tư vốn khởi nghiệp cho những ý tưởng xuất sắc.

Bốn là hợp tác quốc tế được chú trọng: NTU tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác. Đặc biệt, NTU đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo ủng hộ chủ trương thành lập Trường Đại học Quốc tế Việt Hàn, mở ra nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên.

Seoul Cyber University, Hàn Quốc; Konkuk University; Open Cyber University; Gwangju University Hàn Quốc.

Năm là tuyển sinh quốc tế: NTU không chỉ đào tạo sinh viên trong nước mà còn tuyển sinh cho các trường đại học hợp tác với NTU tại nước ngoài như: Seoul Cyber University, Hàn Quốc; Konkuk University; Open Cyber University; Gwangju University Hàn Quốc; University of Massachusetts Boston của Mỹ; Trường Đại học SHR mobile mang đến môi trường học tập đa dạng và quốc tế hóa.

NTU đang từng bước khẳng định vị thế của mình, mang đến môi trường học tập lý tưởng cho sinh viên, hướng tới một tương lai tươi sáng và thành công!

Mô hình giảng đường doanh nghiệp - giải pháp đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả.

PV: Ông có chia sẻ gì với các em học sinh trước ngưỡng cửa thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị hành trang vào đại học?

TS. Nguyễn Tiến Luận: Đối với học sinh của Việt Nam hiện nay, vào Đại học, Cao đẳng hay đi học nghề chủ yếu là do bố mẹ định hướng, dựa trên năng lực của từng em và điều kiện kinh tế gia đình.

Tôi cho rằng, lựa chọn phù hợp và thực tế sẽ là tốt nhất, tức là đi học nghề ngay cũng tốt chứ không nhất thiết phải vào đại học, nếu như năng lực của bản thân và điều kiện kinh tế không phù hợp.

Nhưng điều quan trọng là khi đã lựa chọn mục tiêu (dù học nghề hay vào đại học) thì bản thân các em phải có thái độ tích cực, nghiêm túc, tự hoàn thiện bản thân để đạt được mục tiêu lớn về học tập, đầy đủ kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ…

Điều quan trọng là phải đam mê, không ngừng sáng tạo, khởi nghiệp, có khát vọng làm giàu, thành công nhanh trong sự nghiệp để xây dựng tương lai vững chắc.

Theo xu hướng hội nhập sâu rộng với thế giới, xã hội sẽ tự phân loại về chất lượng đào tạo của các trường đại học. Tôi tin như vậy, vì đơn giản là đào tạo cũng chính là cung cấp dịch vụ tốt nhất, tiện ích nhất đến người học.

Trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Tiến Luận về cuộc trò chuyện này!

Đinh Hồng

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/ts-nguyen-tien-luan-hoc-ma-khong-biet-muc-dich-thi-vo-cung-lang-phi-d4571.html