Trường vùng cao được tiếp sức nhờ mô hình bán trú

Mô hình trường THPTBT đã và đang phát huy hiệu quả, tiếp sức cho các em học sinh vùng cao, góp phần đưa 'con chữ' đến gần hơn với các em học sinh...

Những minh chứng cụ thể

“Nếu không có mô hình trường PTDTBT thì ngành GD&ĐT huyện Nguyên Bình không thể thực hiện được chương trình GDPT 2018". Câu nói mở đầu thay cho lời chào của bà Vi Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyên Bình đã thôi thúc chúng tôi đi tìm hiểu thực tế mô hình này.

Vượt qua 20km xuyên rừng với những con dốc ngoằn nghèo và thẳng đứng đến tức ngực, chúng tôi đến trường PTDT Bán trú Tiểu học Văn Thanh, xã Văn Thanh, huyện Nguyên Bình.

Cô giáo Đàm Thị Hương, Hiệu trưởng trường PTDT Bán trú Tiểu học Văn Thanh, xã Văn Thanh cho biết: Nhà trường hiện có 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ với điểm trường xa nhất là Cốc Cai - Pác Phắn cách điểm trường chính gần 30km, 100% học sinh là con em vùng đồng bào dân tộc, tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo luôn chiếm đến 80%. Năm học 2022-2023, nhà trường được công nhận chuyển đổi từ trường Tiểu học Phan Thanh thành trường PTDT Bán trú Tiểu học Phan Thanh.

Song song với việc chuyển đổi, nhà trường được đầu tư tu sửa trường lớp; cơ sở vật chất, phòng máy vi tính phục vụ cho học sinh với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Nhờ đó, nhà trường mới thực hiện được chương trình GDPT 2018, đưa Ngoại ngữ, Tin học vào môn học bắt buộc đối với học sinh khối 3.

Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất nên các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất nên các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Được biết, mô hình trường PTDT Bán trú được hình thành từ khoảng 10 năm trước với tên gọi mô hình bán trú dân nuôi. Khi mới triển khai, thực hiện các mô hình còn nhiều lúng túng trong cách thức hoạt động, cơ sở vật chất chưa được đầu tư, một số phụ huynh đưa con em đến ở tại trường (hoặc gần trường) học trong những ngôi nhà dựng tạm, tự nấu ăn, hoặc ở nhờ nhà dân để học tập...

Trước thực trạng trên, năm học 2012 - 2013, Phòng GD&ĐT huyện xây dựng Đề án chuyển đổi các trường THCS Mai Long, Phan Thanh, Ca Thành sang mô hình trường PTDT Bán trú với mục đích cho học sinh được học tập và sinh hoạt tại trường có chất lượng hiệu quả. Đề án được UBND huyện phê duyệt tiến hành thẩm định các điều kiện đảm bảo hoạt động của trường PTDTBT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đến tháng 1/2023, các trường được cấp phép hoạt động theo mô hình trường chuyên biệt PTDT Bán trú.

Đơn cử như tại trường Tiểu học Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình: Sau khi thực hiện việc chuyển đổi: Tỷ lệ học sinh ra lớp bậc tiểu học tăng trên 10% so với khi chưa có trường bán trú; chất lượng của học sinh cũng có nhiều chuyển biến tốt nhờ được quản lý, hướng dẫn học tập, điều kiện học tập tốt hơn, tính kỷ luật, tính tự giác, tự lập và khả năng giao tiếp của các em học sinh cũng linh hoạt hơn.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Nhận thấy kết quả từ mô hình đem lại, năm học 2022-2023 Phòng GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND huyện chuyển đổi thêm 01 trường tiểu học và 01 trường TH&THCS thành trường PTDT Bán trú (PTDT Bán trú TH Phan Thanh, PTDT Bán trú TH&THCS Triệu Nguyên).

Theo đồng chí Vi Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyên Bình: Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đã giải được bài toán về thiếu giáo viên, thiếu phòng Tin học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học trên địa bàn huyện Nguyên Bình.

Khi dồn các điểm trường lẻ về điểm chính hoặc các điểm trường tập trung đông dân, học sinh được sinh hoạt và học tập trong môi trường rộng hơn, từ đó sẽ mạnh dạn để phát huy hết phẩm chất và năng lực của bản thân, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Đồng thời các em có điều kiện được học các môn Tiếng Anh, Tin học trong phòng học có đủ thiết bị học tập theo quy định tối thiểu. Giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên các môn học chuyên sâu nhất là Tiếng Anh và Tin học.

Dự kiến trong trong năm 2025, phòng GD&ĐT huyện tham mưu chuyển đổi 06 trường thành trường PTDTBT (TH Mai Long, TH Vũ Nông, TH&THCS Yên Lạc, TH Thành Công, TH Quang Thành, TH Hoa Thám.

Hơn 10 năm thực hiện mô hình với phương châm phát triển mô hình trường PTDTBT, quy hoạch mạng lưới trường lớp để thực hiện chương trình GDPT 2018 đi đôi với việc nâng cao chất lượng giáo dục, hiện nay toàn huyện Nguyên Bình đã có 11 trường PTDTBT (8 trường THCS; 02 trường TH, 01 trường TH&THCS). Số học sinh hưởng chế độ học sinh bán trú trên toàn huyện hàng năm trung bình giao động từ 2.800 - 3.100 học sinh/năm học.

Qua mô hình này chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt thông qua tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng cao, giảm tỉ lệ học sinh yếu, kém tại các trường PTDTBT nhờ vào các kế hoạch cụ thể về lịch học tập trong và ngoài giờ lên lớp, quản lý học sinh ở nội trú....

Các trường PTDTBT cấp tiểu học và THCS đảm bảo cho học sinh học tập 02 buổi/ngày tham gia các hoạt động của nhà trường. Duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần trên 98%, Giảm tỉ lệ tỷ lệ học sinh bỏ học cấp THCS xuống còn 0,6%/năm học, không còn tình trạng học sinh bỏ học đối với học sinh tiểu học...

Xuân Thắng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-vung-cao-duoc-tiep-suc-nho-mo-hinh-ban-tru-post684965.html