Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo hội nhập quốc tế, phát triển nghiên cứu khoa học
Bộ Y tế đánh giá cao, ghi nhận những kết quả trường Đại học Y Hà Nội đã đạt được trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành y tế, trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, phát triển mô hình viện - trường hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin trên khi đến thăm và làm việc tại trường Đại học Y Hà Nội vào ngày 7/7. Cùng tham gia đoàn công tác với Thứ trưởng có đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục, đơn vị trực thuộc Bộ.
Trước khi làm việc với Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và các cán bộ chủ chốt của trường Đại học Y Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã đi thăm thực tế tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, phòng truyền thống của nhà trường và một số khoa, bộ môn khác.
Là cơ sở tiên phong trong nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực
Báo cáo của trường Đại học Y Hà Nội tại buổi làm việc do GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng nhà trường trình bày đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của ngôi trường có bề dày truyền thống lâu đời trong đào tạo nhân lực ngành y tế của nước ta, trường là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực Y tế của Việt Nam với hành trình 121 năm. Nhiều đội ngũ cán bộ y tế chủ chốt, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Cục/ Vụ, bệnh viện, viện nghiên cứu ngành y tế đều đã từng học ở trường Đại học Y Hà Nội.
"Thành tích đạt được được minh chứng bằng nhà trường đã được tặng thưởng hầu hết các danh hiệu cao quý của đất nước như đơn vị Anh hùng, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh..." -GS.TS Nguyễn Hữu Tú nói.
Trường Đại học Y Hà Nội cũng là cơ sở đào tạo đi tiên phong trong nâng cao chất lượng bằng áp dụng nhiều chương trình đào tạo và thí điểm các chuyên ngành mới đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Là trường đào tạo nhiều ngành Y học nhất trong lĩnh vực sức khỏe trong 66 trường, đào tạo ở mọi trình độ từ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2 với 111 cơ sở thực hành. Đến nay nhà trường đã đào tạo 28.786 bác sĩ; 1.540 tiến sĩ; 2.729 bác sĩ nội trú;…
"Nhà trường luôn có số lượng nghiên cứu lĩnh vực y học lớn nhất, rộng nhất, có định hướng ưu tiên rõ ràng (y sinh học phân tử, công nghệ gen- protein, trị liệu tế bào,..); luôn trong tốp 20 trường có công bố quốc tế, đặc biệt luôn giữ vững ngôi đầu về chỉ số trích dẫn"- GS.TS Nguyễn Hữu Tú thông tin.
Cùng đó, trường Đại học Y Hà Nội đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế với hầu hết các tổ chức quốc tế và các trường đại học Y nổi tiếng thế giới, nhiều thầy/cô giáo của trường là thành viên các Tổ chức, hội, giảng viên danh dự, nhà khoa học được thế giới ghi nhận với 16 Anh hùng, 24 Thầy thuốc nhân dân, 57 Nhà giáo nhân dân, 80 Nhà giáo ưu tú, 100 Thầy thuốc ưu tú,..
Bệnh viện trường, mặc dù mới 15 năm tuổi nhưng đã vươn lên là cơ sở khám, chữa bệnh hàng đầu trong triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật cao mang tầm cỡ thế giới, tiêu biểu là mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện và chất lượng với 10.112 kỹ thuật trong khám chữa bệnh. Đặc biệt là đóng góp của tập thể Bệnh viện cho miền nam trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Lãnh đạo nhà trường cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến hoạt động của nhà trường, của phân hiệu 2 tại Thanh Hóa; Đồng ý về mặt chủ trương chuyển đổi Trường Đại học Y Hà Nội thành Đại học Y Hà Nội theo cơ chế đặc thù... Xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về đào tạo bác sĩ chuyên khoa đã ban hành nhiều năm trước đây phù hợp với tình hình thực tế... Có ý kiến đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có hướng dẫn miễn tiền thuê đất đối với cơ sở đào tạo đã tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP về Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Bộ Y tế tham gia đoàn làm việc đã trao đổi, chia sẻ và thông tin thêm về các nội dung nhà trường kiến nghị, đề xuất.
Uu tiên tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực, đặc biệt với đào tạo bác sĩ nội trú
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao, ghi nhận những kết quả nhà trường đã đạt được trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành y tế, trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, phát triển mô hình viện- trường hiệu quả... Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cán bộ, sinh viên của nhà trường đã tham gia nhiệt tình, trách nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo nhân lực y tế phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong giai đoạn tới, Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực, kế thừa thành quả các thế hệ nhà trường xây dựng và tích lũy, trong đó ưu tiên tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực, đặc biệt với đào tạo bác sĩ nội trú, chú trọng đào tạo chuyên gia y tế giỏi, cán bộ y tế chuyên sâu cho một số chuyên ngành mũi nhọn ưu tiên phục vụ phát triển của nhà trường và nhu cầu xã hội.
Thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo (cả ngắn hạn và dài hạn), sớm hơn so với định kỳ quy định 5 năm, để theo kịp sự phát triển của công nghệ.
Ưu tiên đầu tư đồng bộ từ nguồn nhân lực đến trang thiết bị các phòng thực hành, phòng thí nghiệm mũi nhọn theo định hướng ưu tiên như Trung tâm Gen-Protein, Trung tâm Dược lý- Lâm sàng,.. phát triển nhanh thành các viện nghiên cứu chuyên sâu tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Về công tác tổ chức cán bộ, do đặc thù với đội ngũ nhân lực đông, nhiều đầu mối, đóng trên nhiều địa bàn, vì vậy Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị nhà trường cần thường xuyên rà soát, xây dựng đề án vị trí việc làm, để tuyển dụng, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng định hướng phát triển theo quy hoạch Nhà trường đặt ra, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia các viện, trung tâm, đơn vị trực thuộc trường.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nhà trường cần xác định tự chủ đại học là xu hướng tất yếu, cần có kế hoạch chi tiết và lộ trình thực hiện với các điều kiện cụ thể để bảo đàm tính khả thi khi được giao tự chủ toàn bộ.
Nhất trí chủ trương chuyển đổi trường Đại học Y Hà Nội thành Đại học Y Hà Nội, Thứ trưởng đề nghị nhà trường xây dựng đề án chuẩn bị theo lộ trình đảm bảo tính khả thi báo cáo lãnh đạo Bộ và các bộ ngành liên quan.
Thứ trưởng đồng thời lưu ý nhà trường rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo nhất quán nguyên tắc làm đúng quy định của pháp luật, đặc biệt trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, thu chi từ các dịch vụ công theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính; 81/2021/NĐ-CP về học phí.
Đối với công tác kết hợp Viện - Trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị nhà trường chủ động và phối hợp với các cơ sở thực hành thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc nhà trường báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền cùng xem xét để tháo gỡ.
Về các kiến nghị của trường Đại học Y Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ ủng hộ, giao các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ với nhà trường để tiếp tục trao đổi, hướng dẫn cách triển khai thực hiện phù hợp theo quy định.