Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tạo động lực cho tỉnh Quảng Trị phát triển

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý bổ sung Giai đoạn 1 (1.500 MW) của Dự án Trung tâm điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) Hải Lăng, Quảng Trị vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh để tỉnh Quảng Trị kêu gọi đầu tư như món quà mừng xuân đối với tỉnh Quảng Trị. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh LÊ ĐỨC TIẾN về những nội dung liên quan.

-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết khái quát Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt đồng ý cho kêu gọi đầu tư xây dựng?

-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết khái quát Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt đồng ý cho kêu gọi đầu tư xây dựng?

-Đây đúng là một tin vui nhân dịp đón xuân mới Tân Sửu đối với tỉnh Quảng Trị, một tín hiệu tích cực để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Văn phòng Chính phủ vừa ký Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/1/2021 về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Dự án nhằm đầu tư xây dựng nhà máy điện khí độc lập tại xã Hải An và Hải Ba trên tổng diện tích hơn 140 ha, sử dụng LNG để hoạt động. Nhà máy có quy mô giai đoạn 1 là 1.500 MW. Quy mô, công suất, tiến độ giai đoạn 2 sẽ được xem xét cụ thể trong Đề án quy hoạch điện VIII. Dự án gồm tổ hợp các nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty Khí Hàn Quốc và Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét phê duyệt bổ sung dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng công suất 4.500 MW với tổng mức đầu tư 4,5 tỉ USD vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và đồng ý cho Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư dự án. Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T cũng đã có văn bản thông báo chính thức ký biên bản ghi nhớ hình thành tổ hợp gồm các nhà đầu tư như trên với cam kết hội tụ đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để quản lý, xây dựng và vận hành Nhà máy điện khí LNG.

-Dự án này có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy kinh tế tỉnh Quảng Trị phát triển, thưa ông?

-Hiện tỉnh đang quyết tâm phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục để giai đoạn 1 của dự án được khởi công vào năm 2023, cố gắng đến năm 2026-2027 khánh thành đưa vào sử dụng, đấu nối nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia. Dự án này là động lực để phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cũng như tỉnh Quảng Trị. Theo tính toán bình thường, đầu tư 1 MW điện sẽ thu về cho ngân sách khoảng1 tỉ đồng . Với quy mô giai đoạn 1 là 1.500 MW, tỉnh thu về khoảng 1.500 tỉ đồng/năm. Đây là nguồn thu ngân sách rất có ý nghĩa cho sự phát triển của tỉnh Quảng Trị. Chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng qua dự án này để tạo thêm điều kiện cho tỉnh Quảng Trị phát triển đạt mức trung bình cao của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII giai đoạn 2020-2025 đề ra và tiếp tục thực hiện quy hoạch Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng ở khu vực miền Trung. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ làm động lực kéo theo một loạt các nhà máy, dịch vụ khác phát triển tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; các bộ, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn các thủ tục đầu tư, triển khai Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng theo quy định của pháp luật, với tinh thần hỗ trợ tối đa cho Quảng Trị.

 Một góc phối cảnh Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị -Ảnh: TL

Một góc phối cảnh Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị -Ảnh: TL

-Ông có thể cho biết Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng gồm có các hạng mục, nội dung gì?

-Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là chuỗi các dự án liên kết chặt chẽ đồng bộ với nhau. Trước hết, nhà máy điện khí độc lập này sử dụng nguyên liệu chính là khí tái hóa từ LNG nhập khẩu với công nghệ tuabin chu trình hỗn hợp. Ngoài vị trí xây dựng tại hai xã Hải An và Hải Ba như trên thì để nhà máy điện khí hoạt động cần phải có hệ thống cung cấp và xử lý nhiên liệu như: Xây dựng cảng nhập khẩu LNG đáp ứng quy mô nhà máy; kho chứa LNG; kho tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa đến nhà máy điện khí; hệ thống truyền tải điện; các công trình hạ tầng, kỹ thuật… phục vụ cho toàn bộ trung tâm. Thực tế, qua phân tích cho thấy nguồn cung LNG thế giới trước năm 2025 được đánh giá dồi dào, đáp ứng được khối lượng LNG cần cho thị trường Việt Nam cùng với các điều kiện thuận lợi đang được xét dưới góc độ thị trường của người mua.

-Vậy xu hướng phát triển LNG của thế giới và Việt Nam sẽ tác động đến Quảng Trị như thế nào?

-Việc đầu tư xây dựng Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là một bước đi nhanh nhạy, phù hợp xu thế phát triển hiện đại. Lãnh đạo tỉnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường. Trong những năm gần đây, khi mà những biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ nét tới môi trường sống trên trái đất thì nguồn phát thải ô nhiễm đã được chú ý giảm thiểu, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống như than đá, dầu thô ngày một hạn chế. Xã hội đang hướng tới sử dụng những dạng nhiên liệu bền hơn, sạch hơn, ít gây ô nhiễm môi trường sống.

Đặc biệt, từ sau Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), nhu cầu LNG trên thế giới tăng đáng kể. Theo thống kê, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân hơn 6%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm vào năm 2017 lên 453 triệu tấn/ năm vào năm 2020. Autralia, Mỹ, Malaysia, Nga là những nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Các nước nhập khẩu LNG chính bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Họ sử dụng LNG chủ yếu cho nhu cầu trong nước sản xuất điện là chính và thương mại.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã định hướng sử dụng nguồn nhiên liệu này trước mắt cho sản xuất điện. Cụ thể đã được quy hoạch các dự án phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035 (Quy hoạch khí) và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang gấp rút hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó có đặt ra nội dung rất cụ thể về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước.

LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi chúng ta đã tham gia vào cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21 được nhiều tổ chức quốc tế về môi trường và tài chính hoan nghênh, ủng hộ. Nhu cầu và khả năng thương mại hóa mặt hàng LNG trên thế giới ngày một tăng và phổ biến hơn, từ đó cho thấy nguồn cung sẽ dễ dàng tiếp cận và thực thi hơn, tạo thuận lợi để ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, trong đó có ngành sản xuất điện được dễ dàng thuận tiện.

-Là người trực tiếp tham gia cuộc họp của Thường trực Chính phủ về nội dung bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, ông có thể cho biết đôi nét về sự quan tâm của Thủ tướng dành cho tỉnh Quảng Trị?

-Thủ tướng cho biết ít khi Thường trực Chính phủ họp một dự án cụ thể về năng lượng, mà phải trong sơ đồ chung, lần này ưu tiên cho Quảng Trị. Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành đều đề nghị cần có một quyết sách cho Quảng Trị. Thủ tướng hoan nghênh sự quan tâm này của Văn phòng Chính phủ, bộ, ban, ngành đối với Quảng Trị - là một trong 6 tỉnh có dân số ít nhất nước ta, một trong 8 tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ nhất Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Trị là một tỉnh bị chiến tranh tàn phá nhiều, lại liên tục bị ảnh hưởng bởi thiên tai gây ra những thiệt hại nặng nề. Trong chiến tranh, sự hy sinh của Nhân dân Quảng Trị cho đất nước rất lớn. Hôm nay, Quảng Trị còn thay mặt cả nước chăm sóc hàng vạn liệt sĩ là con em mọi miền Tổ quốc đang yên nghỉ tại các nghĩa trang của tỉnh.

Vì vậy, Quảng Trị luôn được Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, các ngành, các cơ quan làm chính sách quan tâm. Lần này, Chính phủ và Thủ tướng rất muốn tạo thêm điều kiện để Quảng Trị phát triển xứng tầm mong đợi của cả nước. Nhận thức sâu sắc điều này, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn quyết tâm thực hiện thật tốt không chỉ dự án này, mà còn nhiều dự án khác nữa để xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị đã kỳ vọng, gửi gắm.

-Xin cảm ơn ông!

Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155150