Trung Quốc thành lập quỹ 47,5 tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn

Trung Quốc đã thành lập quỹ đầu tư bán dẫn lớn nhất từ trước đến nay để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chip trong nước, trong nỗ lực mới nhất nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp khi Mỹ tìm cách hạn chế sự tăng trưởng của nước này.

Theo nền tảng trực tuyến Tianyancha, Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia Trung Quốc đã được thành lập vào ngày 24/5 và hiện bước sang giai đoạn ba. Quỹ được thành lập với số vốn đăng ký là 344 tỷ nhân dân tệ (47,5 tỷ USD), được tích lũy từ chính quyền trung ương, nhiều ngân hàng quốc doanh và doanh nghiệp khác nhau.

Trong đó, cổ đông lớn nhất là Bộ Tài chính Trung Quốc, các công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng đóng góp. Chính phủ Thâm Quyến đã tài trợ cho một số nhà máy sản xuất chip ở tỉnh Quảng Đông trong nỗ lực đưa Huawei Technologies Co. thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ trong nhiều năm khiến công ty này bị cắt khỏi một số lượng lớn linh kiện bán dẫn nhập khẩu.

Các siêu cường do Mỹ và Liên minh châu Âu dẫn đầu đã chi gần 81 tỷ USD để tạo ra bán dẫn thế hệ tiếp theo, làm leo thang cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc để giành vị trí thống trị về chip. Trung Quốc cũng là nước chi tiêu hàng đầu trong khoảng một thập kỷ qua, sử dụng vốn nhà nước để tài trợ cho các nhà sản xuất chip địa phương như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC).

Phương tiện đầu tư mới nhất - được gọi là Big Fund III - cho thấy nỗ lực mới từ Trung Quốc nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn của riêng mình khi Mỹ kêu gọi các đồng minh bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc và khắc phục các lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-thanh-lap-quy-475-ty-usd-de-thuc-day-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post346002.html