Trung Quốc 'chuyển mình' với mô hình mới, đẩy nhanh tách rời phương Tây, thế giới có lo?

Trung Quốc có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng thấp hơn kéo dài sau 45 năm mở rộng và đây sẽ là một viễn cảnh tác động sâu rộng đến kinh tế thế giới.

Hồi phục kinh tế Trung Quốc vẫn là quá trình nhiều chông gai. (Nguồn: Shutterstock)

Hồi phục kinh tế Trung Quốc vẫn là quá trình nhiều chông gai. (Nguồn: Shutterstock)

Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo cam kết “điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách một cách kịp thời” cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó, đồng thời thúc đẩy việc làm ổn định hướng tới một mục tiêu chiến lược. Bộ Chính trị cũng công bố các cam kết thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết rủi ro nợ địa phương.

24 nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng cho biết, sẽ thực hiện chính sách "ngược chu kỳ" và chủ yếu tuân theo chính sách tiền tệ thận trọng cùng chính sách tài khóa chủ động.

Ba cú sốc

Ngày 25/7, Xinhua dẫn báo cáo trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt nhiều thách thức mới, chủ yếu do nhu cầu nội địa suy giảm, hàng loạt doanh nghiệp vận hành khó khăn, rủi ro ẩn chứa trong những lĩnh vực then chốt và môi trường phức tạp ở ngoài nước.

Giới chức Trung Quốc cho rằng, chuyển đổi từ giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19 về trạng thái bình thường đã diễn ra trôi chảy, nhưng hồi phục kinh tế vẫn là quá trình nhiều chông gai.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 6,3% trong quý II/2023, thấp hơn kỳ vọng của thị trường về mức tăng 7,3%.

Trên cơ sở hàng quý, sản lượng kinh tế tăng 0,8%, chậm hơn mức tăng 2,2% được ghi nhận trong ba tháng đầu năm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6/2023.

Bên cạnh đó, đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 0,4% trong tháng 6/2023 so với tháng 5, do tình trạng yếu ớt ở lĩnh vực bất động sản. Sản lượng công nghiệp tăng 0,7%.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, thấp hơn bình thường và là mức khá khiêm tốn đối với một quốc gia có mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 9%, kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào năm 1978.

Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics nhận định: "Giới lãnh đạo đất nước rõ ràng đang lo ngại".

Theo ông Rory Green, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc và châu Á tại Ngân hàng TS Lombard, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang chịu ba cú sốc cùng lúc, bao gồm hậu Covid-19, lĩnh vực bất động sản ốm yếu và một loạt thay đổi về quy định liên quan đến tầm nhìn “thịnh vượng chung”.

Ngân hàng TS Lombard dự báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ổn định vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, nền kinh tế này đang bước vào giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế dài hạn, mặc dù chưa phải là kịch bản “lạm phát đình trệ” kiểu Nhật Bản. Bắc Kinh có khả năng đạt tăng trưởng GDP trung bình hàng năm gần hơn 4% do những cơn gió ngược cơ cấu này.

Ông Rory Green nhận thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, nhưng đà tăng trưởng chậm lại có thể khiến đất nước này “kém hấp dẫn hơn một chút” với các doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề này cũng đẩy nhanh quá trình tách rời với phương Tây về dòng đầu tư và sản xuất.

Phiên bản mới

Khi Trung Quốc tái cơ cấu nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động lan tỏa tức thời nhất.

So với ở các nền kinh tế lớn khác, sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 ở Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt. Ở Mỹ và châu Âu, tiêu dùng tăng mạnh sau khi mở cửa trở lại nhờ các gói hỗ trợ khổng lồ của chính phủ trong thời gian đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, lạm phát tăng vọt, một phần do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine, đẩy giá hàng hóa cơ bản toàn cầu tăng cao.

Ở Trung Quốc lại khác, lạm phát trong tháng 6/2023 ở nước này là 0%. Mức lạm phát này thậm chí còn yếu hơn cả ở Nhật Bản - quốc gia từ nhiều năm qua được xem là điển hình của tăng trưởng kinh tế trì trệ và giảm phát.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng một vai trò quan trọng đối với công ăn việc làm và hoạt động sản xuất ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Bởi Bắc Kinh vừa là một thị trường lớn, vừa là một “công xưởng” của thế giới.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng từng dự báo, Trung Quốc sẽ là quốc gia đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng 22,6% trong tăng trưởng của thế giới, cao gấp đôi so với tỷ trọng của Mỹ.

Theo ông Rory Green, việc điều chỉnh lại nền kinh tế khỏi bất động sản và hướng tới sản xuất tiên tiến hơn thể hiện rõ qua việc Bắc Kinh đẩy mạnh sản xuất xe điện. Điều này có thể khiến đất nước vượt qua Nhật Bản vào đầu năm nay và trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Ông khẳng định: "Mặc dù vẫn chưa rõ các hộ gia đình Trung Quốc, khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước sẽ thích ứng với quá trình chuyển đổi từ mô hình nói trên nhưng Trung Quốc hiện đang ở điểm mấu chốt.

Nền kinh tế chính trị đang thay đổi, một phần do thiết kế, nhưng một phần cũng do lĩnh vực bất động sản đang suy yếu, vì vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải thay đổi và xuất hiện một mô hình phát triển mới. Đó sẽ là một phiên bản mới của nền kinh tế Trung Quốc, chậm hơn, nhưng là một phiên bản với những động lực mới và những đặc điểm mới".

(theo CNBC)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-chuyen-minh-voi-mo-hinh-moi-day-nhanh-tach-roi-phuong-tay-the-gioi-co-lo-235976.html