Gần đây có thông tin cho rằng, Mỹ đang cố gắng giảm chi phí của chương trình tiêm kích tàng hình F-35 như một phần của việc tối ưu hóa tổng thể ngân sách quốc phòng.
Tuy nhiên thay vì giảm, chi phí vận hành máy bay chiến đấu F-35 lại đội lên, các sai sót tiếp tục xảy ra, báo chí Mỹ nhận xét.
Tờ Sina của Trung Quốc đã xem xét tình huống nói trên đối với chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ năm đầy tranh cãi ngay từ khi mới ra đời và ghi nhận một điều kỳ lạ:
Tại sao các vấn đề với với F-35 chỉ bắt đầu được nhà chức trách và Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ thảo luận sau khi xuất xưởng hơn 600 chiếc phi cơ và tổng thời gian bay đạt tới 400.000 giờ?
Những chiếc F-35 do Mỹ sản xuất đã kinh qua thực chiến, chúng được xuất khẩu, thời gian bay lên tới hàng trăm nghìn giờ... và đột nhiên các nhà lãnh đạo bắt đầu bàn tán về việc giảm chi phí của chương trình.
Ở đây có thể nhớ lại vụ tai nạn với chiếc F-35 ở Nhật Bản, nguyên nhân hiện vẫn chưa được giải mật đầy đủ. Cả Tokyo và Washington đều không có ý định lên tiếng, mặc dù họ đã tham gia một cuộc điều tra chung với những chuyên gia giỏi nhất.
Nếu lỗi kỹ thuật chính xác xảy ra trong việc cung cấp oxy cho phi công, thì điều này sẽ dẫn đến thiệt hại cho nhà sản xuất, bởi vì cho đến lúc này, việc hiện đại hóa hệ thống nói trên vẫn chưa được thực hiện.
Trước đây, các phi công đã phàn nàn về việc thiếu oxy trong khi lái. Người Nhật không bình luận vì hai lý do: "Không làm mất lòng đối tác chiến lược" và "không đặt câu hỏi về trình độ đào tạo phi công quân sự của họ".
Báo chí Trung Quốc nhấn mạnh rằng chính Mỹ đã nói về F-35 là "máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới", trong khi cuối cùng họ lại biến chiếc phi cơ này từ tiêm kích "thành máy bay ném bom hoặc máy bay cường kích".
Chính trong vai trò này, F-35 đã được Không quân Israel sử dụng ở chiến trường Syria, khi nó tiêu diệt các mục tiêu mặt đất chứ không phải bắn hạ chiến đấu cơ đối phương.
Thực tế là nó không được sử dụng để đánh chặn như thiết kế ban đầu vì một số lý do, đặc biệt tập trung vào yếu tố tài chính và vì "ưu thế trên không đáng ngờ" của nó, tờ Sina kết luận.
Tuy vậy cũng phải nói đến một sự thật đó là F-35 vẫn được coi như tiêm kích đa năng, tức là ngoài nhiệm vụ không chiến thì nó còn có chức năng tiêu diệt mục tiêu mặt đất và mặt nước.
Cấu hình “quái thú” của F-35 khi nó treo vũ khí bên ngoài, chấp nhận hy sinh khả năng tàng hình đã nằm sẵn trong thiết kế, tức là không có gì ngạc nhiên khi Lightning II đảm nhiệm vai trò máy bay ném bom.
Với khối lượng vũ khí mang theo lên tới gần 10 tấn ở chế độ trên, tải trọng tác chiến của F-35 mặc dù là chiến đấu cơ hạng nhẹ, còn cao hơn 25% so với máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback do Nga chế tạo.
Bạch Dương