Triệu chứng đặc trưng ở người nhiễm biến chủng Omicron
Dù gây ra các triệu chứng nhẹ, Omicron được xem là có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với biến chủng khác.
Tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron khiến nhiều người đặt câu hỏi về những gì họ biết liên quan Covid-19. Mặc dù vẫn chưa chắc chắn nhiều điều, các nhà khoa học trên thế giới đang cố gắng hiểu thêm về biến chủng này và cách nó ảnh hưởng những người đã tiêm phòng, chưa tiêm chủng hoặc trường hợp từng mắc Covid-19.
Triệu chứng Omicron có gì khác với các biến chủng khác?
Theo tạp chí Time, nhiều bằng chứng cho thấy đối với hầu hết người bệnh, Omicron dường như gây ra bệnh nhẹ hơn, có thể giống cảm lạnh thông thường.
Tiến sĩ Tim Spector, nhà dịch tễ học di truyền, người điều hành ứng dụng theo dõi triệu chứng ZOE COVID của Anh, chia sẻ dữ liệu của ZOE cho thấy 5 triệu chứng phổ biến nhất liên quan Omicron là chảy nước mũi, đau đầu, mệt mỏi, hắt hơi và đau họng.
Chuyên gia này cho hay mất khứu giác là triệu chứng tương đối hiếm ở bệnh nhân Omicron. Thời điểm khi biến chủng Delta chiếm ưu thế ở Anh, mất khứu giác là triệu chứng Covid-19 phổ biến thứ sáu ở những người được tiêm chủng đầy đủ.
Một số nghiên cứu lại đưa ra kết luận hơi khác. Discovery Health, công ty bảo hiểm sức khỏe tư nhân lớn nhất Nam Phi, đã liệt kê nghẹt mũi, đau hoặc ngứa cổ họng, ho khan và đau lưng dưới là các triệu chứng Omicron phổ biến.
Trong khi đó, nghiên cứu nhỏ từ Na Uy phát hiện ra rằng trong số những người nhiễm biến chủng Omicron, ho là triệu chứng phổ biến nhất, sau đó đến chảy nước mũi và mệt mỏi. Giống ứng dụng ZOE COVID, các nhà nghiên cứu Na Uy cũng quan sát thấy sự sụt giảm đáng kể về triệu chứng mất mùi và vị giác.
Các nhà khoa học nhận định rõ ràng các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người. Do đó, mọi người không nên cho rằng sẽ không mắc Covid-19 khi không có các triệu chứng đặc trưng như ho và sốt. Theo tiến sĩ Stephanie Sterling, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại NYU Langone Health, ít nhất là ở những khu vực phổ biến Omicron, lần thứ hai bạn mắc phải căn bệnh hô hấp, bạn phải nghĩ đến trường hợp nhiễm biến chủng này.
Omicron có gây bệnh nhẹ hơn không?
Nghiên cứu của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy Omicron có xu hướng không thâm nhập sâu vào phổi nhiều như các biến chủng trước đó. Tuy nhiên, dù ít nghiêm trọng hơn trong phổi, biến chủng này có thể tái tạo nhanh hơn ở đường hô hấp.
Tiến sĩ Hugh Cassiere, Giám đốc dịch vụ chăm sóc quan trọng tại Bệnh viện Đại học North Shore, ở Long Island, New York, cho biết theo cách này, Omicron có thể hoạt động giống viêm phế quản hơn là viêm phổi.
"Thông thường bệnh nhân bị viêm phế quản cấp không có nguy cơ khó thở. Họ thường bị ho và có đờm. Bệnh nhân viêm phổi lại có khả năng bị khó thở và cảm thấy mệt mỏi hơn so với bệnh viêm phế quản nói chung", ông Cassiere nhận định.
Một nghiên cứu nhỏ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy những người bị Covid-19 và sau đó tái nhiễm Omicron có thể gặp ít triệu chứng hơn so với khi họ nhiễm virus ban đầu.
Tuy nhiên, mọi người không thể dựa vào các triệu chứng để tự chẩn đoán bệnh. Ngoài Omicron, biến chủng Delta vẫn đang lưu hành, cùng với đó là các ca bệnh cúm ngày càng gia tăng. Vì điều này, các bác sĩ khuyến cáo những người có bất kỳ triệu chứng cảm lạnh nên đi xét nghiệm.
Khả năng lây lan của Omicron
Theo dữ liệu ban đầu, thời gian để một người bị nhiễm bệnh phát triển các triệu chứng sau khi tiếp xúc với Omicron có thể ngắn hơn so với các biến chủng khác, từ một tuần xuống còn ít nhất là 3 ngày hoặc ít hơn.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn, điều này vẫn có ý nghĩa rằng loại virus rất dễ lây lan như biến chủng Omicron sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn. Mục tiêu của nó là lây nhiễm cho càng nhiều người càng tốt, càng nhanh càng tốt.
"Đó là lý do sự lây lan của Omicron đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều", tiến sĩ Anita Gupta, bác sĩ gây mê và bác sĩ chăm sóc quan trọng tại trường Y Johns Hopkins cho biết. Bà nói thêm có thể thời gian ủ bệnh ngắn hoặc dài hơn tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm tuổi tác, các vấn đề sức khỏe cơ bản và tình trạng tiêm chủng.
Tiến sĩ Sharma cho biết các triệu chứng dường như kéo dài 3-5 ngày đối với hầu hết bệnh nhân. "Rất nhiều bệnh nhân không có triệu chứng trong vòng 10-12 ngày. Nhìn chung, các triệu chứng xuất hiện ngắn và nhẹ hơn ở người được tiêm chủng so với người không được tiêm chủng", chuyên gia này cho hay.
Đối với những người đã được tiêm phòng, thời gian nằm viện hoặc phòng cấp cứu cũng thường ngắn hơn. "Những gì tôi có thể nói là bệnh nhân không được tiêm chủng chắc chắn ốm yếu hơn. Họ có nguy cơ phải nhập viện và đến ICU hơn", tiến sĩ Sharma cho biết.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Ryan Maves, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và chăm sóc quan trọng tại trường Y khoa Wake Forest ở Bắc Carolina, chia sẻ phần lớn bệnh nhân Covid-19 mà ông điều trị trong ICU đều chưa được tiêm chủng.
Vaccine có ngăn ngừa được Omicron?
Theo NBC News, trong công bố vào tháng 1, CDC Mỹ xem xét tác động của vaccine Covid-19 đối với biến chủng Omicron chiếm hơn 99% ca mắc mới ở Mỹ.
Trong phân tích trên 259 bệnh viện và 383 khoa cấp cứu ở Mỹ từ cuối tháng 8/2021 đến đầu tháng 1, kết quả cho thấy mũi thứ 3 của vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna làm giảm tỷ lệ phải nhập bệnh viện hoặc cấp cứu tới 94% giữa làn sóng Delta và 82% khi Omicron bắt đầu lan rộng.
Nghiên cứu mới cho thấy mũi tiêm tăng cường thậm chí còn quan trọng hơn tại thời điểm hiện nay vì Omicron chiếm hầu hết ca bệnh Covid-19. Đối với biến chủng này, hiệu quả của vaccine Covid-19 trong ngăn ngừa nguy cơ cấp cứu đã giảm đáng kể, xuống 38% trong 6 tháng sau khi tiêm phòng 2 mũi đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ một liều tăng cường đã nâng mức hiệu quả đó lên 82%.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ở giai đoạn biến chủng Omicron gia tăng, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện của 2 mũi tiêm vaccine Covid-19 đã giảm từ 81% xuống còn 57% sau 6 tháng, nhưng sau đó tăng lên 90% sau mũi thứ 3.