Cách tập luyện an toàn ở người mắc hội chứng Zollinger-Ellison
Tập thể dục được xem như 'con dao hai lưỡi' đối với người mắc hội chứng Zollinger-Ellison, bởi tập luyện không đúng cách có thể làm bệnh nặng thêm. Vậy người mắc hội chứng Zollinger-Ellison cần lưu ý gì trong tập luyện?
1. Người mắc hội chứng Zollinger-Ellison có nên tập thể dục?
Hội chứng Zollinger-Ellison là một tình trạng hiếm gặp xảy ra do sự hình thành của một hoặc nhiều khối u ở tụy hoặc tá tràng, gọi là u gastrin.
Nội dung
1. Người mắc hội chứng Zollinger-Ellison có nên tập thể dục?
2. Một số bài tập phù hợp với người mắc hội chứng Zollinger-Ellison
3. Lưu ý khi tập thể dục với người mắc hội chứng Zollinger-Ellison
Sở dĩ được gọi là u gastrin là vì chúng có khả năng tiết ra nhiều gastrin, hormon kích thích dạ dày tăng tiết acid dịch vị, từ đó gây nên biến chứng loét dạ dày tá tràng. Người mắc hội chứng Zollinger-Ellison thường phải đối mặt với các triệu chứng như đau bụng, nóng rát vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua, trào ngược dạ dày thực quản, ăn uống kém, sụt cân, rối loạn tiêu hóa...
Mức độ biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người bệnh, thường dễ tái phát và lặp đi lặp lại nếu người bệnh chỉ được điều trị với phác đồ của viêm loét dạ dày thông thường. Đối với người mắc hội chứng Zollinger-Ellison, ngoài việc tuân thủ điều trị, người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng có thể khiến bệnh chậm hồi phục.
Một trong những cách giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện sức khỏe hiệu quả là hoạt động thể dục, thể thao phù hợp.
Cụ thể, hoạt động thể chất mang đến nhiều lợi ích cho người mắc hội chứng Zollinger-Ellison như:
- Tăng endorphin và cảm giác hạnh phúc, giảm các triệu chứng căng thẳng có thể làm nặng thêm tình trạng của hội chứng Zollinger-Ellison.
- Kích thích hệ tiêu hóa và sản sinh vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó có thể giúp giảm béo phì, rối loạn chuyển hóa, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ung thư dạ dày, đại tràng.
- Nếu thừa cân, các triệu chứng như đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản sẽ dễ xảy ra hơn. Tập thể dục sẽ giúp đốt cháy calo, kiểm soát cân nặng, từ đó hỗ trợ làm giảm triệu chứng của hội chứng Zollinger-Ellison.
- Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể...
2. Một số bài tập phù hợp với người mắc hội chứng Zollinger-Ellison
Tập thể dục không đúng cách có thể làm nặng thêm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở người mắc hội chứng Zollinger-Ellison. Chẳng hạn các bài tập có tác động mạnh như chạy, nâng tạ, nhảy dây… có thể làm cho các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Vì vậy nếu thấy mình ợ hơi, ợ chua khi tập thể dục, bạn nên thử một số bài tập nhẹ nhàng dưới đây:
- Bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước: Bơi lội hay tập thể dục nhịp điệu dưới nước là những bài tập toàn thân rất tốt cho cơ thể, do nước tạo thêm sức căng cho cơ thể khi di chuyển, tạo ra trọng lượng mà không cần phải sử dụng dụng cụ khác.
- Đi xe đạp ngoài trời hoặc đạp xe trong nhà: Đạp xe tốc độ cao có thể là tác nhân gây ra trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, đạp xe chậm hơn, ít mạnh hơn có thể là một lựa chọn tốt để tập thể dục đối với người mắc hội chứng Zollinger-Ellison. Bạn cũng có thể thử đạp xe tại chỗ tại phòng tập thể dục và lựa chọn tốc độ phù hợp, tránh hiện tượng trào ngược.
- Tập yoga: Yoga là môn tập luyện chậm và ít tác động, giúp cơ thể trở nên linh hoạt hơn, thúc đẩy chánh niệm mà không làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng Zollinger-Ellison.
Tuy nhiên, khi thực hiện các động tác, bạn nên cẩn thận với những tư thế mà đầu bị lộn ngược như trồng cây chuối, vì điều này có thể làm cho các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, bạn có thể đi dạo hoặc đi bộ nhanh hay thực hiện một số bài tập nâng tạ nhẹ để giảm triệu chứng của hội chứng Zollinger-Ellison. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý định vị cơ thể và tránh cúi xuống hoặc thực hiện bất kỳ động tác đẩy nào có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.
3. Lưu ý khi tập thể dục với người mắc hội chứng Zollinger-Ellison
Để đảm bảo tập luyện đúng cách, không gây hại sức khỏe, cần lưu ý:
- Không tập khi bệnh đang ở giai đoạn cấp tính, sẽ khiến các triệu chứng nặng thêm. Do đó, tốt nhất nên nghỉ ngơi, sau khi sức khỏe ổn định, có thể bắt đầu tập luyện trở lại.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện để được tư vấn loại hình cũng như tần suất tập phù hợp với thể trạng và sức khỏe.
- Tránh tập thể dục ngay sau khi ăn. Tập thể dục ngay sau khi ăn có thể khiến tình trạng trào ngược dễ dàng xảy ra. Do đó, bạn nên thực hiện bài tập 2 giờ sau khi ăn do tại thời điểm đó, thức ăn đã di chuyển qua dạ dày và sẽ ít có khả năng trào ngược hơn.
- Luôn uống đủ nước và lựa chọn trang phục tập luyện phù hợp.