Trên 30% trẻ em dưới 5 tuổi ở miền núi bị suy dinh dưỡng thấp còi

Năm 2021, chỉ có 20,5% phụ nữ mang thai được bổ sung vi chất dinh dưỡng, 11,3% trẻ nhỏ được bổ sung vi chất dinh dưỡng tại nhà và chỉ 4% trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng được điều trị.

Mục tiêu của chương trình cải thiện dinh dưỡng

Theo Viện Dinh dưỡng, một trong những nguyên nhân chính của vấn đề dinh dưỡng ở Việt Nam là do kiến thức và thực hành dinh dưỡng của cộng đồng, đặc biệt là của bà mẹ và người chăm sóc trẻ còn kém. Vì vậy, tất cả các chiến lược và chương trình can thiệp đều coi giáo dục và truyền thông dinh dưỡng là một giải pháp ưu tiên. Truyền thông giáo dục dinh dưỡng (GDDD) được xem là giải pháp chính trong việc thực hiện kế hoạch hành động, chiến lược và các chương trình quốc gia trong hơn 20 năm qua.

Tuy nhiên hiệu quả của các chương trình truyền thông dường như chưa tương đương với sự đầu tư, đặc biệt là với những hoạt động có đối tượng đích là người nghèo và ĐBDTTS, có tính đến các đặc điểm văn hóa xã hội cụ thể. Nhiều tài liệu truyền thông về dinh dưỡng đã được xây dựng, tuy nhiên chủ yếu là tài liệu dành cho cộng đồng người Kinh nói chung, có văn hóa, phong tục, thói quen tiêu thụ thực phẩm và thực hành dinh dưỡng khác với người DTTS (53 nhóm còn lại).

Để góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng và mục tiêu dinh dưỡng trong 02 Chương trình mục tiêu quốc gia mới, tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng trong cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số là nhu cầu cấp thiết. Nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông cho các dân tộc thiểu số, cần bắt đầu từ việc xây dựng năng lực của cán bộ y tế thực hiện các công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng để có thể triển khai được những truyền thông dinh dưỡng phù hợp và đặc thù cho nhóm đối tượng và địa bàn này.

Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực và trên toàn cầu đang phải đối mặt với ba gánh nặng của suy dinh dưỡng là thiếu dinh dưỡng (thấp còi, gầy còm, nhẹ cân), thừa cân/béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi (chiều cao theo tuổi), là thước đo sự phát triển và mức độ bình đẳng của một quốc gia, đã giảm từ 29,3% xuống 19,6% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020.

Việt Nam đã chuyển từ tình trạng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở mức cao xuống mức trung bình có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tỷ lệ thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi,

ở cả thành thị và nông thôn có mối liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và thay đổi lối sống. Thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là những vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng

Can thiệp cải thiện dinh dưỡng nổi cộm và cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn tới là giải quyết sự chênh lệch rõ rệt về tình trạng dinh dưỡng giữa các vùng miền theo vùng sinh thái, và thành thị, nông thôn, đặc biệt là vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực trạng dinh dưỡng của trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Theo số liệu thống kê của giám sát dinh dưỡng năm 2019, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn so với trung bình chung của cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi ở mức 31,4%, cao gấp đôi so với trẻ em dân tộc Kinh (15,0%). Đồng thời, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân của trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2,5 lần (21,0% so với 8,5%) so với trẻ em dân tộc Kinh. Khoảng 60% trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi tại 10 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất trong cả nước là người dân tộc thiểu số.

Trên toàn quốc, có khoảng 7 tỉnh, nơi đa số là dân tộc thiểu số có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trên 30% xếp vào mức rất cao có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo tiêu chuẩn của WHO. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 39,0% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi ăn bổ sung từ 06 tháng đến 23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầy đủ; 32,7% phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 49 tuổi đi khám thai và được bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu cũng như tư vấn về dinh dưỡng. Kết hôn sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên vẫn còn phổ biến ở phụ nữ dân tộc thiểu số, 23,9% phụ nữ bắt đầu sinh con trong độ tuổi từ 15 đến 19.

Các yếu tố văn hóa xã hội cũng như tâm lý e ngại của người dân tộc thiểu số trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng và khám chữa bệnh góp phần dẫn đến tình trạng trên. Việc tiếp cận kém với các dịch vụ công thiết yếu này đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kết quả dinh dưỡng của các nhóm dân tộc thiểu số.

Trong mô hình nguyên nhân suy dinh dưỡng, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã xác định các nguyên nhân trực tiếp của suy dinh dưỡng là do thiếu ăn và bệnh tật. Năm 2008, loạt bài trên Tạp chí The Lancet về tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em đã tổng kết và khuyến nghị các biện pháp can thiệp hiệu quả để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. WHO cũng khuyến nghị một danh sách các can thiệp dinh dưỡng cần thiết để giải quyết các vấn đề dinh dưỡng. Tuy nhiên, mức độ bao phủ của các can thiệp này ở Việt Nam còn rất thấp.

Theo báo cáo phân tích thực trạng về nhu cầu và cơ hội đưa các can thiệp dinh dưỡng vào hệ thống y tế quốc gia của Viện Dinh dưỡng năm 2021, chỉ có 20,5% phụ nữ mang thai được bổ sung vi chất dinh dưỡng, 11,3% trẻ nhỏ được bổ sung vi chất dinh dưỡng tại nhà và chỉ 4% trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng được điều trị. Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên cải thiện dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt những người sinh sống ở các khu vực khó khăn (miền núi, dân tộc thiểu số) thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi là một mục tiêu trong các chương trình mục tiêu quốc gia, hai trong số đó là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, với 1551 xã trên toàn quốc.

Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) mà Chính phủ đã cam kết thực hiện. Dinh dưỡng là điểm mấu chốt của Mục tiêu phát triển bền vững 2 "Chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững" và là một thành phần thiết yếu để đạt được nhiều mục tiêu khác; các khía cạnh dinh dưỡng của SDG là nhằm thúc đẩy chế độ ăn lành mạnh và bền vững và đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu.

(Theo tài liệu Hướng dẫn hoạt động truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng cho đồng bào dân tộc thiểu số, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế).

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tren-30-tre-em-duoi-5-tuoi-o-mien-nui-bi-suy-dinh-duong-thap-coi-169231012141824054.htm