Mốc son mới của mối quan hệ gắn bó đặc biệt Việt-Nga

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống LB. Nga V. Putin theo lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là minh chứng sinh động, tô thêm mốc son mới cho mối quan hệ truyền thống hữu nghị, gắn bó đặc biệt giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt - Nga.

Tổng thống Vladimir Putin và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức LB. Nga, ngày 6/9/2018.

Tổng thống Vladimir Putin và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức LB. Nga, ngày 6/9/2018.

Nhìn lại lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và LB Nga trong hơn 7 thập kỷ qua, có thể thấy không hẳn là con đường bằng phẳng, nhưng tình hữu nghị, gắn bó sâu sắc giữa hai đất nước, hai dân tộc vẫn bền vững qua thử thách thời gian và đang ngày càng phát triển, đơm hoa kết trái.

Gắn bó qua thử thách

Mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt – Nga được hình thành từ rất sớm. Sau nhiều năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, tháng 6/1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân tới đất nước của V. I. Lenin, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam dưới ánh sáng chiếu rọi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Ngay từ những ngày đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) ra đời, phát triển quan hệ với đất nước của Lenin luôn là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với một ai, trước hết là với Liên Xô”.

Liên Xô cũng chính là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/1/1950. Tháng 7/1955, một năm sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm chính thức đầu tiên tới Liên Xô. Trong dịp này, hai nước đã ký “Hiệp nghị thương mại giữa Chính phủ Việt Nam DCCH và Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết”, đặt nền móng cho mối quan hệ Việt - Nga phát triển, gắn bó hôm nay.

Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Sự ủng hộ, giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu của Liên Xô là một nhân tố quan trọng, góp phần vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hàn gắn vết thương chiến tranh của nhân dân Việt Nam.

Thế nhưng, trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam – LB Nga rơi vào trạng thái ngưng trệ bởi những lý do khách quan, sự xoay vần của thời cuộc. Song tình trạng đó đã thay đổi nhanh chóng. Việt Nam vẫn là một đối tác, người bạn thủy chung, trước sau như một, mặc dù cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở trong nước và trên trường quốc tế.

Bước phát triển mới

Để khôi phục mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp vốn có, ngày 16/6/1994, Việt Nam và LB Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và LB. Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Kể từ thời điểm lịch sử này, quan hệ Việt Nam – LB Nga bắt đầu có những bước phát triển ngoạn mục. Dấu mốc đầu tiên là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống V. Putin tháng 3/2001. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – LB Nga, mối quan hệ Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam. Trên nền tảng mối quan hệ này, cùng quyết tâm chính trị cao của hai nước, hợp tác Việt - Nga tiếp tục đi vào chiều sâu, với độ tin cậy chính trị cao, tiếp tục gặt hái những thành công mới.

Với quyết tâm chính trị đưa quan hệ Việt Nam – LB Nga phát triển toàn diện và sâu sắc hơn nữa, hai nước tiếp tục nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012 và ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030 vào năm 2021. Các khuôn khổ hợp tác này tiếp tục tạo động lực, thổi làn gió mới cho mối quan hệ Việt Nam – LB Nga ngày càng phát triển sâu sắc, thiết thực và toàn diện hơn trên trên tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các kênh, từ kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến hợp tác giữa các tỉnh, thành và đối ngoại nhân dân.

Minh chứng sống động cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ấy là chỉ trong ba năm 2017 - 2019, hai nước đã tiến hành 7 chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao nhất. Tổng thống V. Putin dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào năm 2017 và có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga tháng 9/2018 và mới đây, đã điện đàm với Tổng thống Putin vào ngày 26/3, sau khi ông giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh LB. Nga Dmitry Medvedev tại trụ sở Trung ương Đảng, ngày 22/5/2023. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh LB. Nga Dmitry Medvedev tại trụ sở Trung ương Đảng, ngày 22/5/2023. (Nguồn: TTXVN)

Trên bình diện đa phương, hai nước có sự đồng thuận và gần gũi quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Nhờ “lực đẩy” của hợp tác chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế hai nước bất chấp “những cơn gió ngược”, kim ngạch thương mại song phương năm 2023 vẫn đạt 3,63 tỷ USD, tăng 2,3% so với năm 2022.

Hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước được tăng cường trên tinh thần “tin cậy, thực chất, hiệu quả, toàn diện”. Nước Nga vẫn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ tiếp tục được thúc đẩy.

Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực và trao 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam mỗi năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại LB Nga. Hợp tác địa phương tiếp tục được duy trì với khoảng 20 cặp quan hệ giữa các địa phương hai nước được thiết lập, đặc biệt giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh với Moscow và St. Petersburg...

Một yếu tố không thể không nhắc đến trong việc gắn kết quan hệ hai nước, đó là cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga, hiện có khoảng 60-80 nghìn người, đang có những đóng góp rất tích cực cho sở tại và quê nhà...

Sự đồng điệu của hai dân tộc

Có thể khẳng định rằng, điều làm nên sự gắn bó của quan hệ hữu nghị Việt Nam – LB Nga chính là sự đồng điệu về tâm hồn và tình cảm, là sự tương đồng về cốt cách dân tộc mạnh mẽ, là ý chí và khả năng vượt qua những khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của người đứng đầu nước Nga tiếp tục là minh chứng sinh động, có ý nghĩa đặc biệt đối với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và Đối tác chiến lược toàn diện giữa giữa hai nước.

Chuyến thăm khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của cả hai bên trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Đây cũng là dịp để lãnh đạo hai nước gặp gỡ, thảo luận, thống nhất những vấn đề quan trọng và định hướng chiến lược cho tương lai. Qua chuyến thăm, hình ảnh về một Liên Xô và nước Nga hùng cường, con người Nga đôn hậu, nghĩa tình, sẽ sống dậy trong trong ký ức, tâm tư tình cảm của người dân Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ đã từng sinh sống, học tập và gắn bó với Liên Xô và nước Nga.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 11/2013, Tổng thống Putin đã từng nói: “Quan hệ giữa Nga và Việt Nam có tính chất đặc biệt, thậm chí còn hơn cả chiến lược”. Với truyền thống và bề dày lịch sử của quan hệ hai nước, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Putin sẽ là một mốc son mới, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – LB Nga. Chuyến thăm đồng thời sẽ tạo thêm động lực mới để hai bên tiếp tục vượt qua mọi thách thức, đưa quan hệ song phương vững bước trên con đường rộng mở, hướng tới tương lai tốt đẹp của tình hữu nghị gắn bó thủy chung và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga trong thời kỳ mới.

Đức Khải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/moc-son-moi-cua-moi-quan-he-gan-bo-dac-biet-viet-nga-275324.html