Tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng, ban hành quy chuẩn Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan trong việc thẩm định quy chuẩn Việt Nam (QCVN) bảo đảm tính thống nhất, khách quan, tránh lợi ích nhóm, cục bộ của các bộ trong xây dựng, ban hành QCVN.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tại Phiên họp thứ 41.

Bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở

Việc sửa đổi luật này nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho hay, có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan trong việc thẩm định QCVN bảo đảm tính thống nhất, khách quan, tránh lợi ích nhóm, cục bộ của các bộ trong xây dựng, ban hành QCVN, đặc biệt trong xử lý một số lĩnh vực giao thoa về phạm vi, đối tượng áp dụng, chồng chéo về thẩm quyền trong xây dựng QCVN.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu và thể chế hóa kịp thời Chỉ thị số 38-CT/TW, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thẩm định QCVN. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của quy định này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội

Về đề nghị bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), qua khảo sát thực tế và tổng kết thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho thấy, có nhu cầu chứng nhận sự phù hợp đối với các TCCS do các doanh nghiệp, tập đoàn, hội, hiệp hội tự xây dựng.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là không bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với TCCS và giữ như Luật hiện hành.

Phương án 2 là bổ sung quy định việc chứng nhận sự phù hợp đối với TCCS và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện TCCS được sử dụng để chứng nhận sự phù hợp.

Phương án này có ưu điểm là góp phần thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, góp phần nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia; đề cao vai trò khu vực tư nhân trong tham gia vào hoạt động xây dựng theo lộ trình phù hợp, áp dụng tiêu chuẩn, đặc biệt là những TCCS có chất lượng cao; mở rộng phạm vi áp dụng của TCCS.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa đánh giá hết khả năng triển khai trên thực tế, có thể có trường hợp lợi dụng để trục lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT lựa chọn phương án 2; đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo có đánh giá tác động, nghiên cứu quy định điều kiện thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm...

Đảm bảo sự thống nhất với các luật khác

Tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn, các quy định liên quan đến đánh giá sự phù hợp, các quy định liên quan đến xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho đối tượng thuộc danh mục bí mật Nhà nước, quy định trách nhiệm thẩm định QCVN...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật.

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau về bổ sung hay không bổ sung quy định chứng nhận sự phù hợp đối với TCCS, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, các ưu, nhược điểm của từng phương án và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Về một số vấn đề cụ thể áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất với các luật khác, khi áp dụng pháp luật không xảy ra những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục đánh giá đầy đủ tác động của việc thực hiện các cam kết quốc tế...

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, một số nội dung mới cần phải đánh rõ tác dụng, sự cần thiết để không làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời cũng đảm bảo tính minh bạch trong việc cạnh tranh lành mạnh ở trong nước và quốc tế.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tranh-loi-ich-nhom-cuc-bo-trong-xay-dung-ban-hanh-quy-chuan-viet-nam-182979.html