TP Hồ Chí Minh: Vì sao dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng chậm trễ?

Nguyên nhân dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng chậm trễ vì còn phải bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ sở pháp lý liên quan đến hợp đồng dạng BT, do liên quan tài sản công để thanh toán.

Chiều 30/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và nhiệm vụ tháng 9/2022. Đến dự và chủ trì có ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê (ngồi giữa), Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở VH&TT bám sát tiến trình dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê (ngồi giữa), Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở VH&TT bám sát tiến trình dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng.

Tại buổi họp báo, ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP Hồ Chí Minh, trả lời câu hỏi về tiến độ thực hiện dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng.

Theo ông Hùng, dự án này được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010, áp dụng thí điểm hình thức xây dựng chuyển giao (BT). Hiện nay dự kiến đổi sang Câu lạc bộ TDTT Trần Hưng Đạo.

“Khi triển khai dự án chúng ta có thi thiết kế nên sẽ có Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng cao 3 tầng hoặc 7 tầng, do công Trung tâm TDTT này đạt tiêu chuẩn cao, nên kinh phí có gia tăng, về nguồn vốn dự kiến để xây dựng công trình này đã không đủ. Cuối năm 2017, nhà thi đấu TDTT Phan Đình Phùng được tháo dỡ. Đến nay về mặt thiết kế, chất lượng vẫn đảm bảo theo phương án. Gần đây nhất có thông báo của UBND TP Hồ Chí Minh về giao nhiệm vụ cho Sở VH&TT năm 2022 phải chủ động phối hợp các Sở, ngành triển khai các công trình văn hóa trọng điểm, trong đó có Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng. Hiện nay các ngành vẫn đang sắp xếp quỹ đất để thanh toán theo hợp đồng BT” - ông Mai Bá Hùng nói.

Liên quan đến dự án này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây dự án thực hiện theo hợp đồng BT. Năm 2018, UBND TP phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Theo quy định mới, dự án được chuyển tiếp theo phương thức đối tác công - tư.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2019, theo chủ trương chung, cơ sở pháp lý liên quan đến hợp đồng dạng BT lúc đó chưa chặt chẽ, cần có bổ sung, điều chỉnh, đặc biệt liên quan tài sản công để thanh toán cho hợp đồng BT.

Do đó từ 2018 đến năm 2020, các vấn đề pháp lý vẫn đang được hoàn thiện nhằm điều chỉnh hợp đồng BT. Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP “quy định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao”. Nghị định này quy định rõ hơn về việc sử dụng đất công để thanh toán hợp đồng BT.

Hiện nay, trong quy định mới, không còn quy định hình thức hợp đồng BT nữa. Tuy nhiên, quy định của pháp luật vẫn cho chuyển tiếp các dự án đã được lựa chọn nhà đầu tư. Hiện nay, ý kiến của Sở VH&TT, UBND TP đã có chỉ đạo sát và đôn đốc triển khai thực hiện nhanh dự án này.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quỹ đất để thực hiện theo quy định của Nghị định 69/2019/NĐ-CP (nêu trên) của Chính phủ để có nguồn lực thanh toán khi thực hiện hợp đồng công - tư. Thời gian thực hiện dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng chậm do quá trình xem xét, hoàn thiện bổ sung.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Đây là dự án nằm ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, được các tầng lớp Nhân dân và ngành thể thao rất mong đợi. Do đó, đề nghị Sở VH&TT tích cực đeo bám để lãnh đạo TP chỉ đạo sâu sát, kịp thời...

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-vi-sao-du-an-trung-tam-tdtt-phan-dinh-phung-cham-tre.html