TP.HCM: Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo đúng quy định.

Đây là nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Chỉ thị số 05/CT-UBND về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố. Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan; triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động theo đúng quy định.

Đồng thời, chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; kiện toàn, đảm bảo biên chế cho cơ quan thanh tra lao động phù hợp với số lượng các doanh nghiệp thực tế để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra vệ sinh lao động và tai nạn lao động.

TP.HCM tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động.

TP.HCM tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng, trong đó lưu ý đến các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, các nhà thầu tư nhân không có pháp nhân; kiên quyết xử lý vi phạm, đình chỉ thi công đối với các nhà thầu không tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động trong công trình xây dựng.

Liên đoàn Lao động TP.HCM cử thành viên tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động Thành phố để điều tra các vụ tai nạn lao động chết người trên địa bàn. Đồng thời, tập trung giám sát đảm bảo các chế độ cho người lao động, bảo vệ các quyền lợi của người lao động; tham mưu, xây dựng chế độ chính sách cho người lao động phù hợp với thực tiễn.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp và người sử dụng lao động cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và có biện pháp kiểm tra, giám sát buộc người lao động sử dụng đúng và đầy đủ các phương tiện, trang bị bảo vệ cá nhân đã được cấp phát…

Đặc biệt, đối với người lao động, cần chấp hành nghiêm các nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động. Kiên quyết từ chối làm việc khi các điều kiện an toàn lao động chưa được đảm bảo. Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc…

Theo UBND TP.HCM, hiện trên địa bàn vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động chưa đảm bảo các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước, dự báo tình hình về an toàn, vệ sinh lao động giữa các sở, ban, ngành và các địa phương chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu đề ra, vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục ngay.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-xu-ly-nghiem-vi-pham-phap-luat-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-159809.html