TP.HCM tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Nghị quyết 54
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm thực hiện một số nội dung trong Nghị quyết 54, có những việc TP muốn làm nhưng phải cân nhắc vì mới, vì khó.
Sáng 12-10, tiếp tục phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trong báo cáo gửi UBTVQH, Chính phủ đề nghị cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thêm một năm, đến hết ngày 31-12-2023. Đồng ý với đề xuất trên, cơ quan thẩm tra của QH là Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị đưa nội dung này vào nghị quyết của kỳ họp thứ tư QH khóa XV.
Nhiều chính sách đặc thù chưa phát huy hết tác dụng
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá thời gian qua TP.HCM đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù QH cho thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 rất nặng nề khiến các chính sách này chưa phát huy được hết tác dụng.
Nhắc tới cơ chế, chính sách về đất đai, ông Thanh nhấn mạnh thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha của Thủ tướng được phân cấp cho HĐND TP. TP đã thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên với tổng diện tích hơn 1.800 ha nhưng lại vướng ở nguồn gốc đất, các thông tin về đất, đặc biệt là cơ chế xử lý, thẩm định của các bộ, ngành đối với các dự án.
Đánh giá “có giảm được một chút thủ tục về phân cấp, phân quyền”, tuy nhiên ông Thanh đặt vấn đề các thủ tục để xử lý, đẩy nhanh tiến độ của các dự án thế nào, có “điểm nghẽn” không? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo Chính phủ làm rõ điều này, để “đánh trúng”, giải quyết đúng các “điểm nghẽn” về đất đai, khai thác nguồn lực để phát triển TP trong thời gian tới…
Ngoài ra, ông Thanh lưu ý QH đã mở ra cơ chế cho phép TP.HCM và Hà Nội thu phí để xử lý ùn tắc giao thông nhưng đến nay chưa TP nào triển khai thực hiện được. Do đó, ông đề nghị TP.HCM báo cáo rõ những vướng mắc trong thực hiện quy định về phí này để xử lý vấn đề ùn tắc giao thông thời gian tới. “Có lẽ bài toán chống ùn tắc giao thông và chống ngập của TP.HCM cần tiếp tục nghiên cứu để xử lý trong thời gian tới” - ông Thanh nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chỉ rõ hạn chế trong thực hiện một số chính sách là “tình hình chung”, không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà các địa phương khác cũng vậy. Ông đánh giá TP.HCM có một số chính sách có thể mang lại nguồn lực khá lớn, như được hưởng số thu từ việc sắp xếp các cơ sở nhà đất của trung ương trên địa bàn; hay việc cổ phần hóa thì nguồn thu không nộp ngân sách trung ương mà để lại hết cho địa phương. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau mà nguồn này không được nhiều trên thực tiễn.
Có chính sách nhưng việc thực hiện không đơn giản
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay trong năm năm thực hiện thì hai năm đầu, TP tập trung xây dựng các quy định cụ thể thực hiện nghị quyết. Hai năm kế tiếp, lẽ ra TP tập trung triển khai thực hiện nhưng lại vướng dịch COVID; năm cuối lại tập trung vào những vấn đề tổng kết. Đây là lý do khiến một số nội dung chưa triển khai được.
“Có những nguyên nhân rất chủ quan. Có những việc TP muốn làm lắm nhưng phải cân nhắc vì mới, vì khó. Trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó do có ý kiến trái chiều nên chưa thể mạnh dạn đưa ra” - ông Hoan nói thêm.
Cũng theo ông Hoan, có những chính sách nghị quyết nêu nhưng thực hiện không đơn giản. “Vấn đề thu hồi đất lúa trên 10 ha thì TP làm được nhưng dự án trên 10 ha và có quy mô dân số 10.000-15.000 hoặc khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế lại vướng những thủ tục về đầu tư, các quy định của Luật Đầu tư” - ông Hoan giải thích.
Hay vấn đề liên quan đến cổ phần hóa, TP chậm có phương án cổ phần hóa nhưng để có phương án cổ phần hóa phải chờ hướng dẫn phương án sử dụng đất, không có phương án sử dụng đất nên cũng không làm được... “Hiện TP đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới trình QH mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ Nhà nước” - ông Hoan cho biết.
Ông dẫn chứng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) không cho phép lĩnh vực văn hóa, thể thao được thực hiện xã hội hóa. Điều này rất khó trong thực hiện, đặc biệt với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Bởi nếu không huy động các nguồn lực để đầu tư các cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao tầm cỡ thì chắc chắn Nhà nước sẽ không có nguồn lực để thực hiện. TP.HCM mong muốn QH cho phép TP thực hiện Luật PPP với hai lĩnh vực này.
“TP.HCM cố gắng làm, làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho việc xây dựng các quy định pháp luật của cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho TP phát triển, có nhiều nguồn thu hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước” - ông Hoan nói thêm.
Thống nhất trình Quốc hội cho phép kéo dài Nghị quyết 54
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH thống nhất trình QH xem xét, quyết định cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31-12-2023, đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ tư QH khóa XV.
Liên quan đến chính sách, thu nhập tăng thêm, ông Hải lưu ý TP.HCM tiếp tục thực hiện chính sách thí điểm theo Nghị quyết 54 nhưng tính toán cân đối không để vượt quá mức tối đa theo Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương.
Phó Chủ tịch QH cũng đề nghị Chính phủ, TP.HCM tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 54, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với chương trình xây dựng pháp luật của QH.