Tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là hơn 320 ngàn tỉ đồng
Với tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đến cuối tháng 4-2022 là 320,4 ngàn tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết chiếm tỉ trọng nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa ký báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo kế hoạch, trong buổi chiều 8-6 và sáng 9-6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn.
Báo cáo của NHNN đã đề cập đến việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo NHNN, đến cuối tháng 4-2022, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế, dư nợ chủ yếu là ngắn hạn (chiếm 98%); tập trung phần lớn vào dư nợ để đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4-2022 là 320,4 ngàn tỉ đồng, chiếm tỉ trọng nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng (2,86%) cho thấy hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vẫn được kiểm soát.
Để kiểm soát rủi ro liên quan đến chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN đang từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý với các quy định theo hướng chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống.
Cụ thể, khi phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán như đối với các doanh nghiệp khác; đồng thời phải tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định.
NHNN cho biết tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro để có các biện pháp xử lý phù hợp.
Theo NHNN, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá lại hoạt động cấp tín dụng, tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các hoạt động cấp tín dụng, trong đó có hoạt động cấp tín dụng đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân, tập đoàn bất động sản lớn và người có liên quan để quản lý chặt chẽ, hạn chế phát sinh các rủi ro liên quan.
Báo cáo của NHNN cũng đã đề cập đến các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, các rủi ro từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phần lớn phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu (thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành khác). Việc thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng liên quan đến các lĩnh vực này chỉ là biện pháp quản lý rủi ro từ phía ngân hàng.
Do đó, cần có những biện pháp toàn diện, mang tính đồng bộ với sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan để làm trong sạch, lành mạnh hóa, củng cố thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa các quy định về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của tổ chức tín dụng khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, đồng thời hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các rủi ro, vi phạm phát sinh, đồng thời thường xuyên cảnh báo, chấn chỉnh tổ chức tín dụng đối với hoạt động này.