Tổn thất do ùn tắc đăng kiểm gây ra đã được bù đắp thế nào?

Theo Bộ GTVT, sau khi các Thông tư mới được ban hành, tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm đã được giải quyết một cách triệt để.

Bộ GTVT cho rằng, trước hết, để xảy ra những bất cập, sai phạm trong hoạt động đăng kiểm như thời gian vừa qua phải nói đến trách nhiệm đầu tiên là Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN).

Xảy ra sai phạm, trách nhiệm đầu tiên là Cục Đăng kiểm Việt Nam

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thanh Phương tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo đó, Bộ GTVT nhận được phiếu chất vấn của ĐBHQ Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh do Tổng Thư ký Quốc hội chuyển đến theo Công văn 249 ngày 10/6/2023 về nội dung liên quan đến công tác đăng kiểm.

Nội dung chất vấn: "Cử tri cho rằng tình trạng quá tải đăng kiểm ô tô kéo dài trong thời gian qua đã trở thành thảm họa đối với ngành vận tải và điều đáng lo nhất là không biết bao giờ mới chấm dứt.

Doanh nghiệp dịch vụ vận tải phải gánh chịu thiệt hại một cách bất công vì những lỗi không phải của họ. Xe không đăng kiểm được thì phải "trùm mền". Ngoài mất doanh thu do xe hết hạn đăng kiểm không được hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải chi tiền thuê bến bãi, tiền nhân công, lệ phí đường bộ, lãi vay ngân hàn,…

Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân nào dẫn đến sai phạm nghiêm trọng trong hệ thống đăng kiểm một thời gian dài đến nay mới được phát hiện? Giải pháp để bù đắp thiệt hại cho những cá nhân, tổ chức bị tổn thất nặng nề do ùn tắc đăng kiểm gây ra? Khi nào thì tình trạng tắc nghẽn đăng kiểm được khơi thông, trở lại hoạt động bình thường như trước đây".

Trả lời ĐBQH Huỳnh Thanh Phương về nguyên nhân dẫn đến sai phạm nghiêm trọng của hệ thống đăng kiểm trong một thời gian dài đến nay mới được phát hiện, Bộ GTVT cho rằng, trước hết, để xảy ra những bất cập, sai phạm trong hoạt động đăng kiểm như thời gian vừa qua phải nói đến trách nhiệm đầu tiên là Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN).

Trong đó, phải kể đến trách nhiệm của người đứng đầu do đã buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cùng với các động cơ vụ lợi, lợi ích nhóm của một bộ phận lãnh đạo, đăng kiểm viên của Cục ĐKVN và một số đơn vị đăng kiểm trong hệ thống có tính chất khép kín nên đã dẫn đến một loạt các sai phạm bị phát hiện trong thời gian vừa qua như: "Môi giới hối lộ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Giả mạo trong công tác", "Sản xuất mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật", "Xâm phạm trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác", "Che giấu tội phạm",…

Để xảy ra những sai phạm nêu trên, Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm của Bộ khi chưa quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định phương tiện; chưa quyết liệt trong chỉ đạo Cục ĐKVN thực hiện đề án tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Cục ĐKVN. Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu của Bộ cũng chưa sát sao, kịp thời nhận diện những bất cập, phát sinh để tham mưu cho Bộ kịp thời chỉ đạo sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ GTVT cho biết, tại các địa phương trước đây là điểm nóng về ùn tắc đăng kiểm như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, hiện tại năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư từ 32% đến 45%

Tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định đã được giải quyết triệt để

Thông tin về giải pháp để bù đắp thiệt hại cho những cá nhân, tổ chức bị tổn thất nặng nề do ùn tắc đăng kiểm gây ra, Bộ GTVT cho biết, để khắc phục tình trạng ùn tắc nghiêm trọng phương tiện kiểm định, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã quan tâm, tạo điều kiện, cử lực lượng cán bộ chiễn sỹ hỗ trợ cùng với một loạt giải pháp tháo gỡ ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể là đã ban hành quy định miễn kiểm định lần đầu, giãn thời hạn chu kỳ kiểm định so với trước, tập trung mở lại các trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định, ứng dụng công nghệ thông tin đặt lịch hẹn đăng kiểm qua phần mềm, bổ sung nhân lực,... nhằm sớm giải quyết được tình trạng ùn tắc nghiêm trọng phương tiện đến kiểm định, sớm khôi phục chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, phát triển kinh tế xã hội của đất nước được người dân và doanh nghiệp ghi nhận.

Ngày 21/3/2023, Bộ GTVT ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT- BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT), trong đó có quy định miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới nên đã giảm số lượng xe phải đăng kiểm lần đầu khoảng 500.000 xe mỗi năm.

Tiếp theo, ngày 2/6/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư 08 /2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, trong đó có quy định tự động giãn chu kỳ kiểm định cho phương tiện dưới 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải.

"Với giải pháp này, theo thống kê sẽ có khoảng 1,4 triệu phương tiện được tự động xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng kiểm thêm 6 tháng mà không cần phải đến các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, do đó đã cơ bản giải quyết các vấn đề ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm để các trung tâm tập trung kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải không phải chờ đợi kiểm định như trước đây", Bộ GTVT nêu rõ.

Trả lời ĐBQH Huỳnh Thanh Phương về thời điểm giải quyết dứt điểm tình trạng tắc nghẽn đăng kiểm để hoạt động kiểm định trở lại bình thường như trước đây, Bộ GTVT cho biết, thực tế, ngay sau khi Thông tư 08/2023/TT-BGTVT ngày 2/6/2023 được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 3/6/2023, tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm đã được giải quyết một cách triệt để.

Cụ thể, tại các địa phương trước đây là điểm nóng về ùn tắc đăng kiểm như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, hiện tại năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư từ 32% đến 45% (tại Hà Nội hiện có 27 đơn vị hoạt động với 45 dây chuyền và năng lực thực tế là 2.700 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.610 xe, đạt 60% năng lực; tại TP.Hồ Chí Minh hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền và năng lực thực tế là 1.980 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.355 xe, đạt 68% năng lực).

Đình Quang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/ton-that-do-un-tac-dang-kiem-gay-ra-da-duoc-bu-dap-the-nao-183230720142345806.htm