Tổ chức lễ Vu lan trong bối cảnh dịch COVID-19

Lễ Vu lan là một ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, là dịp để nhắc nhở các thế hệ con cháu tìm về cội nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước, mang giá trị nhân văn, đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' ngàn đời của dân tộc ta. Khác với lễ Vu lan những năm không có dịch COVID-19, năm nay nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng trong năm đã có nhiều thay đổi và giảm đáng kể.

Sạp bán hàng mã tại chợ 5 tầng, thành phố Ninh Bình.

Sạp bán hàng mã tại chợ 5 tầng, thành phố Ninh Bình.

Hàng mã là mặt hàng thường bán chạy nhất trong tháng 7 âm lịch bởi quan niệm của nhiều người là đốt vàng mã nhằm dâng tiến cho người đã khuất những đồ dùng cần thiết như nhà cửa, phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp, giấy tiền… đều bằng hàng mã với suy nghĩ "trần sao âm vậy". Tuy nhiên, tại một số cửa hàng vàng mã tại các chợ truyền thống, lượng người mua giảm mạnh.

Bà Trịnh Thị Lẵng, tiểu thương bán hàng mã tại chợ 5 tầng (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết: Năm nay lượng khách mua hàng mã giảm nhiều, khách chủ yếu mua lễ tờ tiền, quần áo, còn hàng mã lớn như nhà, xe dường như không bán được…

Dạo quanh thị trường những ngày này, tại các cửa hàng bán đồ chay trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho thấy thị trường khá ảm đạm. Theo chia sẻ của chủ cửa hàng thực phẩm chay trên đường Hải Thượng Lãn Ông: Mặc dù cửa hàng chuẩn bị tương đối nguồn hàng phục vụ khách mùa lễ Vu lan nhưng do tình hình dịch bệnh nên lượng tiêu thụ thực phẩm chay cũng giảm khoảng 70% so với năm trước. Năm nay khách hàng tới mua và đặt hàng chay của cửa hàng chủ yếu là khách quen mua thường xuyên. Do tình hình dịch bệnh nên việc vận chuyển hàng cũng khó khăn hơn trước, giá cả có tăng nhưng cửa hàng vẫn giữ giá để tạo điều kiện cho các gia đình mua sắm đồ chay những ngày lễ trọng này.

Trung bình, 1 mâm cỗ chay có mức giá từ 400-500 nghìn, có mâm cỗ từ 1-1,2 triệu đồng tùy theo lượng món khách đặt mua. Nếu như mọi năm không ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cửa hàng phục vụ không xuể trước nhu cầu đặt hàng của khách.

Với mặt hàng hoa quả cung cấp trên thị trường đa dạng từ bán online, bán trong siêu thị, bán tại các chợ truyền thống, lượng mua cũng giảm đáng kể.

Theo chị Thủy, chủ cửa hàng hoa quả tại chợ Rồng (thành phố Ninh Bình): Hoa quả bán ra trong những ngày rằm tháng 7 cũng không tăng lượng bán, số lượng cũng tương đương với bán trong những ngày rằm hàng tháng. Để đáp ứng nhu cầu khách trong mùa dịch, cửa hàng chủ yếu bán nhiều qua online để phòng, chống dịch COVID-19.

Mỗi dịp tháng 7 về, nhắc tới Vu lan, bất kỳ người con hiếu thảo nào cũng một lòng tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha, mẹ cũng như tổ tiên và các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của nhiều người, việc báo hiếu không phải cứ làm cúng lễ linh đình, mâm cao cỗ đầy mới thể hiện được hết giá trị ngày lễ. Mà hơn cả, ngoài việc tổ chức lễ cúng theo thuần phong mỹ tục thì việc quan trọng hơn cả là con cháu phải luôn thể hiện được chữ hiếu trong cuộc sống hàng ngày với ông bà, cha mẹ...

Đối với bà Nguyễn Thị Hương, phố Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, mỗi mùa lễ Vu lan là mùa báo ân mang đậm ý nghĩa của gia đình.

Bà Hương cho biết: Mọi năm, vào ngày lễ Vu lan, tôi thường làm lễ cúng đầy đủ, xem đây là dịp để gia đình, con cháu về cùng quây quần, ôn lại truyền thống gia đình. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên gia đình tôi cũng chỉ làm mâm cơm cỗ đơn giản để dâng lên tổ tiên, không tập trung đông con cháu như mọi năm trước...

Còn đối với bà Bùi Thị Thi, xã Khánh Hội, Yên Khánh: Mỗi dịp lễ Vu lan những năm trước, tôi thường tham gia các khóa lễ và tụng kinh tại nhà chùa từ mùng 1 đến rằm tháng Bảy rồi mới về nhà chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh nên mọi thứ đều phải thay đổi cho phù hợp với công tác phòng chống dịch. Nhà chùa không tổ chức các khóa lễ và hướng dẫn phật tử ở nhà tự tụng kinh, chuẩn bị mâm cơm cúng phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình…

Lễ Vu lan hằng năm là một trong những ngày lễ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, qua đó thể hiện tinh thần từ bi hỷ xả của giáo lý Phật giáo trong việc yêu thương muôn loài.

Lễ Vu lan Phật lịch 2565 - Dương lịch 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố nên việc tổ chức lễ Vu lan năm nay được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo tổ chức đảm bảo vừa phù hợp với truyền thống Phật giáo, vừa bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Tại các nhà chùa trên địa bàn tỉnh, lễ Vu lan năm nay không tổ chức tập trung đông tín đồ, phật tử tụng kinh, tổ chức nghi thức bông hồng cài áo… Mà các nghi thức của lễ Vu lan được tổ chức gói gọn trong nội bộ chùa. Bên cạnh đó, các nhà chùa cũng hướng dẫn phật tử làm lễ tại nhà để mỗi gia đình vẫn tiếp tục duy trì phong tục đẹp nhân mùa Vu lan báo hiếu, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Nhiều năm qua, nét đẹp văn hóa lễ Vu lan báo hiếu được bắt nguồn từ đạo Phật với những ý nghĩa nhân văn vẫn còn nguyên vẹn, được nhiều gia đình người Việt duy trì, góp phần lan tỏa rộng khắp truyền thống văn hóa hiếu hạnh này. Do đó, bản chất văn hóa của lễ Vu lan không chỉ dừng lại ở việc cúng lễ, mà còn trọng tâm hướng người dân đến các điều thiện, thấm nhuần tinh thần từ bi hỷ xả của giáo lý Phật giáo trong việc yêu thương muôn loài. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các thủ tục trong lễ Vu lan năm nay được tiết giảm nhiều, nhưng không vì thế mà ý nghĩa của lễ Vu lan bị ảnh hưởng.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/to-chuc-le-vu-lan-trong-boi-canh-dich-covid-19/d20210821101218682.htm