Tình yêu dành cho những trang viết

Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Sở TT&TT tặng hoa các vị khách mời trong buổi giao lưu. Ảnh: THIÊN LÝ

Không chỉ truyền cảm hứng, chia sẻ nhiều điều thú vị về niềm đam mê đọc sách, trong buổi giao lưu với khán giả và bạn đọc tại Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VI năm 2023, các nhà văn, nhà thơ cũng đã bày tỏ những trăn trở về việc làm thế nào để có những tác phẩm văn học thiếu nhi hay và ý nghĩa.

Các khách mời của buổi giao lưu gồm: Nhà thơ Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Trần Thu Hằng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai; nhà thơ, nhà báo Nguyễn Đức Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu Niên Tiền Phong & Nhi Đồng; nhà thơ Nguyễn Hữu Thông, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình và nhà văn Trương Anh Quốc đến từ Quảng Nam.

Số người đọc sách còn khiêm tốn

Theo Cục Xuất bản - In và Phát hành Bộ TT&TT, bình quân hiện nay, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 2,8 cuốn sách bao gồm cả sách giáo khoa và 7,07 tờ báo mỗi năm, thấp rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lý giải về những con số khá khiêm tốn này, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Đức Quang, cho rằng: “Hiện nay, văn hóa đọc bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Một phần, các em bây giờ không chỉ đọc sách trên báo giấy mà còn đọc trên các phương tiện khác. Hơn nữa, nhu cầu đọc của bạn đọc hiện nay cũng rất phong phú. Ngày xưa, chúng ta chỉ đọc sách văn học hay chính trị, nhưng giờ đây, các bạn trẻ có thể lựa chọn nhiều thể loại sách để đọc như: sách kỹ năng sống, sách hướng dẫn ngành nghề... Đây là những yếu tố dẫn đến những số liệu như trên”.

Chưa kể, riêng về sách văn học, số lượng phát hành các tác phẩm văn học dịch cao hơn hẳn các tác phẩm văn học trong nước, khiến nhiều tác giả trong nước phải trăn trở. Nhà thơ Nguyễn Hữu Thông chia sẻ: “Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ với các nước về mọi mặt, trong đó có văn học dịch. Vì vậy, các dịch giả sẽ được tiếp cận nhiều hơn với những tác phẩm xuất sắc của các nước và họ chuyển ngữ sang tiếng Việt, thuận lợi đưa đến nhà xuất bản rồi tới tay bạn đọc. Mặt khác, hiện nay các nhà xuất bản không còn được bao cấp mà đã chuyển sang tự chủ nên họ phải chọn đầu vào tốt để có đầu ra tốt. Vì vậy, sách văn học dịch đang chiếm thị phần khá lớn trong thị trường sách văn học ở Việt Nam. Điều đó đặt ra cho các các nhà văn trong nước sự trăn trở làm sao để sáng tạo ra những tác phẩm hay đưa đến bạn đọc”.

Kể về con đường theo đuổi đam mê, nhà văn Trương Anh Quốc cho biết anh tốt nghiệp đại học Hàng hải TP Hồ Chí Minh và làm kỹ sư điện trên tàu viễn dương. Vì vậy, anh đã có nhiều cơ hội đi dọc đất nước hình chữ S theo đường biển. Qua những chuyến đi ấy, anh cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của vùng biển nước ta, nhất là dải đất miền Trung đầy nắng và gió, trong đó có Phú Yên. “Chưa đầy một năm, tôi đã có một chuyến đi vòng quanh thế giới. Ở mỗi bến cảng, tôi biết thêm nhiều cảnh đẹp, con người và phong tục nơi ấy. Từ đó, tôi mong muốn giới thiệu ký ức hành trình bằng con đường biển đẹp đẽ của mình đến với mọi người. Vì thế, tôi đã chấp bút cho tiểu thuyết du ký Sóng”, anh Quốc nói.

Bằng niềm đam mê với văn chương, đến nay, nhà văn Trương Anh Quốc đã sở hữu một số thành tích đáng kể trong làng văn học nước nhà như: giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ ba, giải nhất cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần thứ tư, giải tư cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Năm 2019, tiểu thuyết du ký Sóng của anh đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Các nhà văn, nhà thơ giao lưu với khán giả về thói quen đọc sách. Ảnh: THIÊN LÝ

Yêu trẻ từ những trang viết cho thiếu nhi

Nhà thơ Bảo Ngọc, tốt nghiệp khóa 5, Trường Viết văn Nguyễn Du. Năm 1998, đang làm việc tại Báo Thiếu Niên Tiền Phong & Nhi Đồng, chị đã in tập tản văn Hồn thời gian, 3 tập thơ Bến trăng, Giữ lửa, Gõ cửa nhà trời và tập thơ - truyện Lớp học Thung Mây. Đặc biệt, 2 bài trong tập thơ Gõ cửa nhà trời được chọn đưa vào sách Tiếng Việt lớp 3 bộ Chân trời sáng tạo. Nhà thơ Bảo Ngọc chia sẻ, cha của chị là một người lính, ông vào miền Nam chiến đấu khi chị còn nhỏ. Lúc ông từ chiến trường miền Nam trở về đã mang theo một va li sách rất lớn. Chị đã bắt đầu với những dòng chữ đầu tiên trong những cuốn sách đó. “Nếu chúng ta yêu một điều gì đó, chúng ta sẽ tìm thấy ở đấy những giá trị, những lợi ích mà thực sự phải càng dấn thân và càng đi lâu trong cuộc đời này, ta mới ngấm được giá trị của nó”, nhà thơ Bảo Ngọc quan niệm: “Đối với tôi, khi đọc được một cuốn sách là tôi được đến với thế giới của một nhà văn. Việc khám phá bầu trời, thế giới ấy sẽ nuôi dưỡng những rung động nhỏ bé trong mình và rồi vun đắp cho bản thân cảm hứng trước mọi điều đẹp đẽ và từ đó bắt đầu đặt những dòng chữ đầu tiên. Vì vậy, những trang văn đầu đời khi bất kể một người nào đọc mà trái tim đủ rung động thì chúng ta sẽ đi được đến ngọn nguồn những điều tốt đẹp đằng sau những trang sách ấy, và đó là nguồn cảm hứng, động lực, thậm chí là đánh thức những khát vọng của chính mình để mình mang trang sách đi xa hơn”.

Từng nhận giải thưởng của Báo Văn Nghệ Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam; một trong những tác phẩm của chị - tiểu thuyết Đàn đáy đã tạo được sự chú ý của giới cầm bút trong nước, nhà văn Trần Thu Hằng chia sẻ: Với suy nghĩ, bản thân mình có gì thì sẽ đem cho con cái đó. Vì vậy, từ niềm đam mê sách, tôi đã đọc cho con mình nghe với mong muốn giúp con mình biết được những câu chuyện trong sách. Ban đầu, tôi kể những câu chuyện của những tác giả mà mình biết. Đến khi bí chuyện, tôi tự “bịa” ra câu chuyện khác để kể cho con nghe. “Bịa” đến mức tôi thuộc lòng rồi mới bắt tay viết lại những câu chuyện đó bằng văn bản rõ ràng. Vì vậy, những câu chuyện của tôi thường có trước rất lâu cho đến khi xuất bản.

Nhà văn Trần Thu Hằng trải lòng: “Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, các bạn ấy (những đứa con của nhà văn - PV) đã có những suy nghĩ khác biệt nên các bạn cũng có cách để thể hiện ước mơ của mình rất riêng; cha mẹ không có quyền áp đặt. Vì thế, những câu chuyện “bịa” sẽ không được tin, mà để câu chuyện đó trở thành những điều gần gũi, có thật với con thì cần phải làm bạn với con, hiểu con thích gì, muốn gì, thậm chí là học con bắt “trend” các nội dung trên mạng xã hội. Một là vui cùng với con, giúp con điều chỉnh những hành vi của mình. Hai là phát triển những chi tiết cần có trong một tác phẩm viết cho thiếu nhi...”.

Mới đây, tại Trại sáng tác Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Phú Yên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của văn học thiếu nhi: “20-30 năm sau, trẻ em là những người sẽ quyết định nhân cách của dân tộc này. Nếu các em vô cảm với những cái cây ngoài đường, dửng dưng với những vấn đề về môi trường, thờ ơ với chính gia đình mình, vô cảm với người bên cạnh; nếu các em không có khả năng chia sẻ, không có khả năng rung động, không có khả năng khóc trước những số phận bất hạnh, thì đấy là điều rất nguy hại. Chính vì thế, văn học thiếu nhi đóng góp một phần rất quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, nhân cách các em, để các em lớn lên trở thành những người tử tế, biết quan tâm, biết yêu thương, biết khoan dung...”.

Buổi giao lưu với nhà văn, nhà thơ, người truyền cảm hứng về thói quen đọc sách do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở TT&TT, Sở GD&ĐT và Tỉnh đoàn tổ chức. Đây là một trong những hoạt động của Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VI năm 2023 với chủ đề “Sách - nhận thức, đổi mới, sáng tạo”, hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/297901/tinh-yeu-danh-cho-nhung-trang-viet.html