Tin Thị trường: Giá dầu khó có thể trở lại mức trên 90 USD
Giới chuyên gia cho rằng giá dầu khó có thể trở lại mức trên 90 USD; Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng khi thị trường trong nước ổn định...
Giá dầu khó có thể trở lại mức trên 90 USD
Giá dầu đã giảm đáng kể trong vài tuần qua và các chuyên gia cho rằng giá dầu có thể vẫn chịu áp lực do loại hàng hóa này vẫn dư cung.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, giá chuẩn dầu thô Mỹ WTI tăng 2,99 USD, tương đương 4,1%, ở mức 75,89 USD/thùng, giảm từ ngưỡng 90 USD/thùng chỉ một tháng trước đó.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates, nói với BNN Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Đó là dấu hiệu cho thấy thị trường đang dư cung vào lúc này".
Ông Lipow chỉ ra rằng lượng dầu bổ sung từ OPEC+ tấn công thị trường toàn cầu vào thời điểm các lệnh trừng phạt dầu mỏ Venezuela được dỡ bỏ là lý do chính khiến mặt hàng này hiện đang bị dư cung.
"Bạn không cần phải tìm đâu xa khi giá dầu WTI là 74 USD và dầu Brent thấp hơn 80 USD một chút, để đi đến kết luận rằng OPEC+ sẽ đình chỉ việc cắt giảm sản lượng của họ trong quý đầu tiên năm tới", ông Lipow nói thêm.
Về phần mình, ông Andrew Pyle, cố vấn đầu tư cấp cao và quản lý danh mục đầu tư tại CIBC Wood Gundy, cho rằng ngoài tình trạng dư cung, sự suy thoái dự kiến của nền kinh tế Mỹ có thể đẩy nhu cầu dầu thô xuống thấp hơn nữa và tin rằng giá dầu WTI tương lai có thể xuống tới mức 70.
Ông Pyle nói: "Có thể sẽ khó khăn hơn để đưa giá tăng trở lại. Nó có thể lên tới 80, nhưng tôi nghĩ việc quay trở lại mức cao mà chúng ta đã thấy gần đây, trên 90, tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại là không thể".
Thị trường không tin các dự báo nhu cầu lạc quan
Tuần trước, cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều điều chỉnh nâng dự báo nhu cầu dầu, với lý do mức tiêu thụ kỷ lục của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những người tham gia vào thị trường dầu, tập trung vào tồn kho dầu thô của Mỹ tăng, sản lượng dầu của Mỹ cao kỷ lục, dữ liệu kinh tế và nhà máy lọc dầu của Trung Quốc yếu hơn, và sự sụt giảm đầu tiên trong doanh số bán lẻ của Mỹ trong 7 tháng, vẫn giữ tâm lý tiêu cực.
Giá WTI trượt xuống dưới mốc 75 USD/thùng và giá dầu Brent giảm xuống dưới 80 USD/thùng càng củng cố thêm suy đoán của các nhà phân tích rằng Ả Rập Xê-út có thể tiếp tục duy trì mức cắt giảm tự nguyện bổ sung 1 triệu thùng/ngày vào đầu năm tới.
Ả Rập Xê-út và OPEC coi tâm lý tiêu cực là "phóng đại" và những lo ngại hiện tại về nền kinh tế đã bị "thổi phồng quá mức".
OPEC nhận thấy tâm lý thị trường tiêu cực là bị thổi phồng quá mức và cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường dầu vẫn mạnh, với việc nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng lên mức kỷ lục mới vào năm 2023.
Trước đó vài ngày, Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê-út, cho biết nhu cầu dầu tiếp tục mạnh và đổ lỗi cho các nhà đầu cơ khiến giá dầu lao dốc.
Về phần mình, IEA cho biết trong báo cáo hàng tháng được công bố vào tuần trước rằng tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục mạnh trong tháng 9, với nhu cầu của Trung Quốc cao kỷ lục là 17,1 triệu thùng/ngày.
Do nhu cầu hàng tháng của Trung Quốc cao mọi kỷ lục và mức tiêu thụ ổn định ở Mỹ, cơ quan này đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 lên 2,4 triệu thùng/ngày, từ mức tăng trưởng 2,3 triệu thùng/ngày dự kiến trong báo cáo tháng 10.
Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 1,8 triệu thùng/ngày trong mức tăng trưởng 2,4 triệu thùng/ngày, điều này sẽ nâng tổng nhu cầu toàn cầu lên 102 triệu thùng/ngày, theo ước tính của IEA.
Trên thực tế, dữ liệu về nhập khẩu dầu thô thực tế ở Trung Quốc và những nước còn lại của châu Á trong năm nay cho thấy nhu cầu có thể yếu hơn so với dự báo lạc quan của IEA, nhà báo Clyde Russell của Reuters lưu ý.
Theo ông Russell, tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc có thể sẽ gần hơn với ước tính của OPEC là 1,14 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và nền kinh tế Mỹ đã kéo giá dầu giảm kể từ tháng 10, sau khi tăng vọt vào cuối mùa hè - thời điểm Ả Rập Xê-út bắt đầu tự nguyện cắt giảm sản lượng.
Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng
Hãng Reuters đưa tin, Nga đã dỡ bỏ lệnh xuất khẩu xăng được thực hiện vào giữa tháng 9, do nguồn cung dư thừa khoảng 2 triệu tấn.
Việc dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu diễn ra sau một động thái tương tự nhằm đình chỉ các hạn chế đối với xuất khẩu dầu diesel bằng đường ống trong tuần đầu tiên của tháng 10.
Bộ năng lượng Nga cho biết, sự bão hòa của thị trường trong nước đã được đảm bảo trong hai tháng qua, tạo ra tình trạng dư thừa xăng. Bộ này cũng nói rằng, có thể áp dụng lại lệnh cấm xuất khẩu nếu lượng thặng dư đó biến mất.
Nga hạn chế xuất khẩu dầu diesel và xăng từ ngày 21/9 nhằm nỗ lực bình ổn giá nhiên liệu trong nước trước tình trạng giá tăng vọt và thiếu hụt cung do dầu thô tăng và đồng ruble suy yếu. Trước khi thực thi lệnh cấm, Nga đã tăng khối lượng nguồn cung bắt buộc đối với xăng và nhiên liệu diesel để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Lệnh cấm diesel được dỡ bỏ với điều kiện ít nhất 50% nguồn cung của nhà sản xuất được cung cấp cho thị trường nội địa. Xuất khẩu dầu diesel của Nga đã được chuyển hướng từ Liên minh châu Âu (EU) sau lệnh cấm vận của khối này vào tháng 2 năm nay, sang các thị trường ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ.
Trong khi đó, Nga sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện cho đến cuối năm nay với sự phối hợp của OPEC+. Trên thực tế, lệnh cấm xăng và dầu diesel đã khiến cam kết đó trở nên khó khăn hơn.
Dữ liệu tuần đầu tiên của tháng 11 cho thấy, xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển của Nga trong tháng 10 đã giảm 11% so với tháng 9.
Cũng vào cuối tuần qua, Quốc hội Nga đã chính thức khôi phục các khoản trợ cấp thanh toán cho các nhà máy lọc dầu, trong một nỗ lực nhằm khuyến khích hơn nữa doanh số bán hàng trên thị trường nội địa thay vì xuất khẩu với giá cao hơn.