Tín dụng tăng dần về cuối năm, phấn đấu đạt mục tiêu 15%
Tăng trưởng tín dụng cải thiện dần kể từ tháng 8/2024 sau khi suy yếu trong tháng 7/2024 và kỳ vọng sẽ dần rõ nét hơn về cuối năm, phấn đấu đạt mục tiêu 15%.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (so với cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Các con số này cho thấy tín dụng đang vào đà tăng tốc, khi trước đó số liệu đến cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,63%.
Trước đó, NHNN cho biết, đến ngày 7/9 dư nợ toàn nền kinh tế đã đạt được 7,75%. Trước đó, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5/2024 lên 6,0% vào cuối tháng 6 trước khi giảm trở lại còn 5,3% tại ngày 17/7, nhưng đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trở lại khi đạt mức tăng 6,63%.
Theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 0,75% so với tháng trước, tăng 4,68% so với cuối năm ngoái và tăng 11,28% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau khi giảm nhẹ vào tháng 7/2024 (giảm 0,09%), tín dụng tháng 8/2024 đã tăng trở lại. So với cùng kỳ này các năm trước, 8 tháng đầu năm 2023, tín dụng trên địa bàn tăng 3,26% so với cuối năm; năm 2022 tăng 11,29%; năm 2021 tăng 5,68% và năm 2020 tăng 3,6%.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu cả năm đặt ra khoảng 15% có điều chỉnh theo các yêu cầu thực tế tới thời điểm cuối năm. Năm nay, với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế và đặc biệt là so với trước kia đã khởi sắc rất nhiều, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá là rất tích cực, NHNN tin rằng có khả năng đạt được 15%.
"Nhưng mục tiêu 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, quan trọng nhất là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Trong đó, đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Thời gian qua, NHNN đã thực hiện một số giải pháp khá mạnh tay để đẩy mạnh tín dụng trong các tháng cuối năm 2024, trong đó đáng kể nhất là việc “ưu ái” cho các ngân hàng có khả năng tăng trưởng cao.
Cụ thể, cuối tháng 8/2024, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.
Hiện lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; trong khi lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%. Có thể nói lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp.
PGS TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay, khả năng trong những tháng cuối năm dư nợ của ngành ngân hàng cũng sẽ cải thiện dần, bởi thông thường nhu cầu vốn của khách hàng trong nửa cuối năm sẽ tăng cao hơn nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong 8 tháng qua, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 112.500 tỷ đồng. Như vậy, hệ thống sẽ phải thực hiện đẩy ra lượng vốn còn lại 1,135 triệu tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm. Mức tăng trưởng này gấp đôi so với những tháng đầu năm, đây là một thách thức không hề nhỏ đối với ngành ngân hàng.
Mới đây, VCBS cũng đã có báo cáo phân tích và đưa ra dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục.
Theo VCBS, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 14%. Những động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản - sản xuất - đầu tư công, cho vay bán lẻ, chính sách của NHNN và hoạt động cho vay tái thiết sau bão.