Tìm phương thức thích ứng với thị trường carbon

Để thúc đẩy thị trường carbon, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 (2022) về giảm phát thải, bảo vệ tầng ozon, quy định từ năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành thị trường này. Song, để thúc đẩy kế hoạch này, còn nhiều việc phải làm từ cấp chính phủ đến các doanh nghiệp.

Thị trường carbon là một hệ thống giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia. Ảnh minh họa: DNCC

Thị trường carbon là một hệ thống giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia. Tín chỉ carbon là một đơn vị đo lường sử dụng để giới hạn lượng khí thải carbon mà một doanh nghiệp được thải ra môi trường. Một tín chỉ carbon sẽ tương đương với một tấn khí CO2 (hoặc khí thải khác) được thải ra môi trường.

Theo thỏa thuận chung tại công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và những thỏa thuận quốc tế khác thì các quốc gia cần thực hiện việc cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường. Theo đó, mỗi nhà máy sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Nếu lượng phát thải nhỏ hơn mức giới hạn thì đơn vị đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.

Tăng cường hoạt động đào tạo

Nằm trong nỗ lực thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam Cục Biến đổi Khí hậu, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) khởi động dự án “Đào tạo và mô phỏng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải tại Việt Nam” vào tháng 9 vừa qua.

Là một bên tham gia Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 15.8% vô điều kiện (bằng nguồn lực trong nước) và 43.5% có điều kiện (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường.

Dựa trên mục tiêu quốc gia này, các mục tiêu và biện pháp giảm phát thải khí nhà kính cụ thể được xây dựng cho 5 ngành chính gồm: năng lượng, giao thông, các quy trình công nghiệp, xây dựng và chất thải. Theo đó, các doanh nghiệp phát thải lớn trong 5 ngành này sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Mục tiêu chính của dự án “Đào tạo và mô phỏng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải tại Việt Nam” nhằm xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS) cho những đơn vị sẽ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam trong tương lai.

Các khóa đào tạo sẽ sử dụng công cụ mô phỏng thị trường carbon được điều chỉnh riêng phù hợp cho bối cảnh của Việt Nam. Đồng thời, trang web về ETS cũng sẽ được xây dựng để cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức cho các đối tượng sẽ tham gia thị trường này trong tương lai tại Việt Nam.

Ngoài ra, dự án còn tổng hợp các khuyến nghị chính sách cho việc thiết kế và triển khai ETS ở Việt Nam dựa trên việc phân tích các bài học kinh nghiệm của các nước.

Tại lễ khởi động dự án nêu trên, bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: “Để thực hiện việc thí điểm ETS vào năm 2025 theo kế hoạch của chính phủ, cần đào tạo và xây dựng năng lực cho các bên liên quan về kiến thức trong việc phát triển và thực hiện mua bán trao đổi hạn ngạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính”.

Có nhiều hình thức đào tạo và nâng cao năng lực khác nhau để cung cấp kiến thức chuyên sâu về thiết kế và triển khai ETS cho các đối tượng tham gia. Trong số các hình thức này, phần mềm mô phỏng là công cụ hữu ích hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp chuẩn bị cho việc giao dịch phát thải ở các quốc gia mới triển khai ETS như Việt Nam.

Cũng tại lễ khởi động dự án, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến Đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, mô phỏng thị trường carbon là các chương trình, mô hình, môi trường ảo cho phép các bên liên quan tham gia vào quá trình mô phỏng thiết kế hoặc tham gia vào một ETS. Đây là một phương án chi phí thấp và ít rủi ro để xây dựng năng lực cho các nhà hoạch định chính sách và các đối tượng phải tham gia ETS.

“Quá trình học tập trải nghiệm từ các công cụ này giúp nâng cao hiểu biết về ETS. Những công cụ này cung cấp cho các bên liên quan cơ hội an toàn và không có rủi ro để thử nghiệm những ý tưởng mới, thử lỗi và rút ra bài học có thể đẩy nhanh việc áp dụng hiệu quả,” ông Minh nói.

Hoàn thiện khung pháp lý

Trong một diễn biến khác, cung cấp thông tin cho báo chí về vấn đề này, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM).

Thời gian qua, Việt Nam có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Việt Nam là một trong bốn nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.

Ông Cường cho biết, hiện nay trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Để phát triển thị trường carbon ở nước ta cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ. Xác định tổng hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp, xác định các lĩnh vực, dự án tiềm năng.

Bên cạnh đó cần phải đào tạo đội ngũ, năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

Đồng thời cần xây dựng sàn giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon cùng với quy chế tổ chức, vận hành để thị trường trong nước hoạt động, kết nối với thị trường thế giới. Trước mắt chúng ta sẽ sớm triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển thị trường và đang triển khai xây dựng quy định về quản lý tín chỉ carbon. Quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính,” ông Cường nói.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ carbon đồng thời kết nối với các hệ thống, tổ chức tiêu chuẩn trên thế giới. Các tổ chức, cá nhân sẽ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại, lượng tín chỉ carbon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác để tham gia thị trường.

Đồng thời cần xây dựng sàn giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon cùng với quy chế tổ chức, vận hành để thị trường trong nước chính thức hoạt động, kết nối với thị trường khu vực, thế giới. Trước mắt chúng ta sẽ sớm triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển thị trường và đang triển khai xây dựng quy định về quản lý tín chỉ carbon. Quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính. Cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ carbon đồng thời kết nối với các hệ thống, tổ chức tiêu chuẩn trên thế giới như tiêu chuẩn vàng, được thẩm định… Các tổ chức, cá nhân sẽ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại, lượng tín chỉ carbon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác để tham gia thị trường.

Chuyển đổi và thích ứng kịp thời với xu hướng mới

Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đặc biệt cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết tại hội nghị COP26. Các công cụ định giá carbon cần được triển khai áp dụng ở nước ta, trong đó có việc phát triển thị trường carbon trong nước.

Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá carbon nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nước ta đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tạo tín chỉ carbon. Việc trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).

Cục Biến đổi khí hậu đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng chính sách, bao gồm: quy định về quản lý nhà nước đối với tín chỉ carbon; quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải khí nhà kính; cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon; quy định về quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính.

Bà Mai Kim Liên cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại tín chỉ carbon, lượng tín chỉ carbon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác.

Tại một cuộc hội thảo được tổ chức về nội dung này, ông Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, cho rằng để có thể thích ứng và tham gia hiệu quả vào thị trường carbon, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định pháp luật về phát triển thị trường này – nhằm chủ động cân đối năng lực và khả năng sẵn sàng tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Theo ông Chinh, lộ trình quy định thời điểm triển khai thị trường carbon đã rất rõ ràng. Từ năm 2025 bắt đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028 chính thức vận hành thị trường này. Các doanh nghiệp cần lưu tâm tới lộ trình này để có chiến lược và kế hoạch thích ứng kịp thời.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tim-phuong-thuc-thich-ung-voi-thi-truong-carbon/