Tìm giải pháp căn cơ phát triển dịch vụ logistics

Cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, chú trọng hợp tác công - tư, sự tham gia của khu vực tư nhân...

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%.

Bộ Công Thương đang xin ý kiến đối với Dự thảo “Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, mục tiêu là đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%; tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đến năm 2030 đạt 60-70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đến 2030 đạt thứ 45 trở lên.

Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP sẽ đạt 12-15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70 - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10 - 12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Chiến lược cũng đưa ra nhóm các nhiệm vụ lớn cần thực hiện để phát triển dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho logistics, đồng thời để logistics thể hiện đúng tầm vóc của một ngành kinh tế quan trọng.

Theo đó, sẽ có 7 nhiệm vụ lớn:

Thứ nhất: Hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics.

Thứ hai: Đổi mới quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Thứ ba: Phát triển thị trường logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hành lang kinh tế, khu vực và quốc tế bảo đảm tăng trưởng bền vững; đồng thời, nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số.

Thứ tư: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics.

Thứ năm: Đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ logistics chất lượng cao và phong cách cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp.

Thứ sáu: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển logistics ở cả Trung ương và địa phương.

Thứ bảy: Nâng cao vai trò của các hiệp hội trong lĩnh vực logistics và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, phát triển các dịch vụ logistics giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

KHUYẾN KHÍCH CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC CÔNG – TƯ

Bà Bùi Linh Chi, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Với các giải pháp chiến lược đưa ra, cụ thể như để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào dịch vụ logistics chiến lược cần đưa các chính sách cụ thể hơn, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, vốn vay ưu đãi… Bên cạnh đó, trong điều kiện nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước đang ngày càng hạn chế, chiến lược nên khuyến khích các hoạt động hợp tác công – tư và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng logistics.

Đối với phát triển thị trường logistics, dự thảo đưa ra giải pháp “Xây dựng chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế, vốn, tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp dịch vụ logistics”, song việc hỗ trợ này sẽ dành cho toàn bộ doanh nghiệp hay chỉ một bộ phận doanh nghiệp logistics đáp ứng một số điều kiện cụ thể… Chiến lược cần làm rõ để tránh tình trạng một quy định hiểu theo nhiều nghĩa. Hy vọng Chiến lược tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp logistics cùng tham gia.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp logistics tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, áp dụng khoa học và công nghệ.

Hơn nữa còn thiếu vắng vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ phát triển lĩnh vực logistics. Cần xác định lĩnh vực logitics nào là thế mạnh, trọng tâm của Việt Nam, từ đó có chương trình hỗ trợ đẩy mạnh phát triển tạo đà phát triển chung cho toàn ngành logistics...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 05-2024 phát hành ngày 29-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Song Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tim-giai-phap-can-co-phat-trien-dich-vu-logistics.htm