Tìm cách tăng thu từ đấu giá đất

Từ đầu năm đến nay, thu tiền đất của tỉnh và các huyện, thành phố đều đạt thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách, nguồn chi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Khu đất dự án tại H.Nhơn Trạch triển khai dở dang. Ảnh: L.AN

Khu đất dự án tại H.Nhơn Trạch triển khai dở dang. Ảnh: L.AN

Các sở, ngành, địa phương đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp để có thêm nguồn thu từ đất, bù đắp cho các khoản thu bị hụt và bổ sung nguồn lực cho phát triển.

* Chưa đạt kỳ vọng

Thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, trong đó có thu từ đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) là các khoản thu ngân sách quan trọng. Tuy nhiên, năm nay tỉnh và các địa phương không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tháng 5-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về đấu giá QSDĐ năm 2023. Theo kế hoạch này, năm nay tỉnh tổ chức đấu giá 36 khu đất với diện tích hơn 77ha, giá trị ước tính hơn 780 tỷ đồng. Trong đó, 3 khu cấp tỉnh thực hiện đấu giá, còn lại là cấp huyện. Đến nay, chưa có khu đất nào đấu giá thành công.

Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, theo kế hoạch, năm nay huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng 4 khu đất, diện tích gần 19ha, giá trị ước thu gần 30 tỷ đồng. Các khu đất đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất nhưng vướng quy trình thủ tục. Theo ông Hiền, điều kiện để đưa ra đấu giá là khu đất phải có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023, thế nhưng các khu đất lợi thế khai thác từ quỹ đất phụ cận dự án đường giao thông muốn có trong kế hoạch sử dụng đất thì dự án phải được bố trí vốn đền bù thu hồi đất. Đây là vòng luẩn quẩn về quy trình thủ tục.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết, năm nay thành phố có 3 khu đất trong kế hoạch đấu giá QSDĐ, diện tích khoảng 380m2, giá trị ước thu gần 10 tỷ đồng. Hiện có 2/3 khu đất đã phê duyệt phương án nhưng chưa có khu nào đấu giá. Nguyên nhân theo bà Liên, diện tích các khu đất đấu giá nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu rất khó đấu giá; thành phố thông báo mời gọi đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể rất nhiều lần nhưng không có đơn vị tham gia, dẫn đến không có cơ sở xác định giá khởi điểm.

“Năm 2023, chắc chắn chúng tôi không hoàn thành kế hoạch. Điều này đồng nghĩa với nguồn thu ngân sách, nguồn chi cho phát triển kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng ít nhiều. Chúng tôi sẽ có báo cáo phân tích nguyên nhân, đồng thời xin gia hạn đến quý I-2024” - bà Liên nói.

Tương tự, H.Xuân Lộc có 8 khu đất thực hiện đấu giá theo phân cấp. Đến nay mới có 3/8 khu đất đến bước lấy ý kiến người dân, thời hạn đến ngày 25-12. Vì thế, phải năm 2024 mới hoàn tất thủ tục để tổ chức đấu giá QSDĐ. 5 khu đất còn lại vẫn trong quá trình làm thủ tục.

Đối với cấp tỉnh, hiện có 1/3 khu đất đưa ra đấu giá 2 lần nhưng không có tổ chức, cá nhân tham gia. Các khu đất còn lại chưa thể tổ chức đấu giá vì chưa xác định được giá đất cụ thể, chưa xác định được giá trị tài sản còn trên đất nên chưa xây dựng giá khởi điểm.

* Khai thác nguồn thu còn dư địa từ đất

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, việc khai thác các nguồn thu còn dư địa từ đất như: thuế đất, tiền sử dụng đất, thuê đất để bù đắp khoản thu bị hụt, đồng thời tăng nguồn chi cho đầu tư phát triển cần được tập trung.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Thế Vinh cho rằng, năm 2023, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực song thu ngân sách từ đất chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân đấu giá đất gặp khó khăn trong áp dụng Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các quy định hiện hành; công tác giải phóng mặt bằng đất cao su vướng chính sách hỗ trợ; điều kiện khu đất đấu giá phải phù hợp các loại quy hoạch trong khi quy hoạch chung một số địa phương đang điều chỉnh; ít đơn vị tham gia tư vấn xác định giá đất cụ thể dẫn đến chậm có giá khởi điểm.

Khu vực sắp triển khai dự án nhà ở tại TP.Long Khánh

Khu vực sắp triển khai dự án nhà ở tại TP.Long Khánh

Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường về bất động sản giai đoạn này không cao nên các khoản thu từ đấu giá, cho thuê đất, lệ phí trước bạ nhà đất, thuế sang nhượng đất... đạt thấp; chính sách giảm tiền thuê đất đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tiếp tục được duy trì trong năm 2023.

Năm 2023, ước thu ngân sách của tỉnh hơn 58 ngàn tỷ đồng, đạt khoảng 94% kế hoạch năm. Trong số các khoản thu không đạt, có thu tiền sử dụng đất. Việc này dẫn đến các hệ lụy nguồn vốn bố trí cho các dự án đầu tư công khó đảm bảo, thu ngân sách tỉnh và huyện không đạt, đất đai chậm đưa vào sử dụng làm giảm hiệu quả tác động kinh tế - xã hội…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, khai thác nguồn thu từ đất chưa đạt có cả nguyên nhân khách quan là các quy định mới, nhu cầu thị trường, có nguyên nhân chủ quan các sở, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động phối hợp tốt. Thời gian tới cần tăng cường khai thác các nguồn thu từ thuê đất, đất phân lô tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trong dân.

Riêng với đấu giá đất, giải pháp là Sở Tài chính khẩn trương tham mưu chính sách hỗ trợ cây cao su để có quỹ đất; Sở TN-MT xây dựng kế hoạch chi tiết các khu đất đủ điều kiện đấu giá, thời gian thực hiện. Tương tự, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đảm bảo điều kiện pháp lý cho các khu đất đấu giá.

Làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, thu ngân sách là nhiệm vụ quan trọng và phải có giải pháp từ xa, từ sớm. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời tham mưu Tỉnh ủy ban hành các quyết sách tháo gỡ. Khai thác thu từ đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất cần phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn của nhà đầu tư...

Lê An

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/tim-cach-tang-thu-tu-dau-gia-dat-2454d5c/