Tìm cách gỡ ùn tắc nông sản ở cửa khẩu
Các bộ, ngành và địa phương sẽ trực 24/7 để tìm mọi biện pháp phù hợp, tăng cường giải phóng hàng ùn ứ
Ngày 20-12, theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe hàng hóa xuất đi Trung Quốc tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng cùng ngày là 4.598 xe. Trong đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn 1.403 xe container với các loại hàng chủ yếu như mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử. Tại cửa khẩu Tân Thanh tồn 2.575 xe, với các mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài được vận chuyển từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Định ra.
Ưu tiên các mặt hàng không bảo quản lạnh
Hiện nay tại tỉnh Lạng Sơn, chỉ còn cửa khẩu Hữu Nghị diễn ra hoạt động thông quan hàng hóa. Cửa khẩu Tân Thanh dừng thông quan từ ngày 18-12, cửa khẩu Chi Ma dừng thông quan từ ngày 8-12. Anh Nguyễn Văn Trung, tài xế chở thanh long từ tỉnh Long An ra cửa khẩu Tân Thanh để xuất đi Trung Quốc, cho biết xe hàng của anh bị ùn ứ ở đây đã hơn nửa tháng.
Tính cả thời gian di chuyển từ Long An ra, chuyến hàng này đã kéo dài 18 ngày nhưng vẫn chưa biết thời điểm nào được xuất đi. Cảnh ùn tắc tại khu vực cửa khẩu khiến cánh tài xế phải chạy máy lạnh thường xuyên để bảo quản nông sản tránh hư hỏng. Việc kẹt lại trên đường và các bãi xe khiến việc sinh hoạt, ăn uống gặp nhiều khó khăn.
Để kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tài chính, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Y tế, UBND các tỉnh, thành vào cuộc tháo gỡ. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để có giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Đồng thời, bộ này cần giải quyết các vấn đề phát sinh trong giao nhận hàng hóa.
Cũng trong ngày 20-12, Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan liên quan để tháo gỡ ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu. Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết qua nắm bắt tình hình, bộ nhận thấy có một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe nhiễm Covid-19 khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, cả người, phương tiện và hàng hóa, bao bì, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản. Do đó, ông mong các DN thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung.
Về phía địa phương, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đánh giá nguyên nhân cốt lõi của tình trạng ùn ứ là do lượng phương tiện chở hàng hóa lên các cửa khẩu vượt quá khả năng thông quan ở thời điểm hiện tại. Theo ông Thiệu, tỉnh đã khuyến cáo tới những tỉnh, thành có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn về tình hình và thực trạng quá tải tại các cửa khẩu nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, DN để điều tiết hàng hóa xuất khẩu đưa lên biên giới. "Lượng phương tiện ùn ứ lớn tại các cửa khẩu gây áp lực rất lớn trong công tác quản lý điều hành của tỉnh về bố trí sinh hoạt cho lái xe và người đi cùng, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, công tác phòng chống dịch" - ông Hồ Tiến Thiệu lo ngại.
Về giải pháp trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, bảo đảm công khai, minh bạch theo thứ tự, xe đến trước được xuất trước. Hải quan cửa khẩu sẽ ưu tiên làm thủ tục thông quan các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh như dưa hấu, mít, xoài.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong điều hành hoạt động thông quan xuất nhập khẩu. "Tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại cửa khẩu, đặc biệt ưu tiên thông quan các mặt hàng nông sản của Việt Nam" - ông Thiệu nói.
Trung Quốc đang khẩn trương tháo gỡ
Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT ngay từ đầu mỗi năm, cần tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước để có phương án, giải pháp chủ động, đưa ra được định hướng, khuyến cáo cho người nông dân, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ sản xuất, đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu. "Nên thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ phương thức truyền thống, không có hợp đồng thương mại sang phương thức hiện đại, thành lập hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên" - ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.
Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ NN-PTNT sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu. Đồng thời, sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc để thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật, cũng như hướng dẫn việc xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc để việc thông quan được nhanh chóng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ trực 24/7 để tìm mọi biện pháp phù hợp, tăng cường giải phóng hàng ùn ứ. Bên cạnh các giải pháp làm việc, hội đàm, trao đổi thông tin với phía Trung Quốc, ông Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Lạng Sơn ứng dụng các công nghệ số, chuyển đổi số để kết nối thông tin hai chiều giữa tỉnh với DN sản xuất ở các địa phương khác. Cùng với đó, dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới.
Cũng tại buổi làm việc, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết đây là lần ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng nhất, vì vậy lãnh đạo hai nước rất quan tâm đến vấn đề này, tìm giải pháp tháo gỡ.
Ông Hồ Tỏa Cẩm cho hay hiện hải quan Trung Quốc cũng rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và đã yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ. Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, hiện có 9 loại mặt hàng nông sản đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc, số lượng này dự kiến sẽ tăng lên nhưng tiến trình đàm phán đang bị đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Để giải quyết dứt điểm tình trạng ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu, Bộ Công Thương cho rằng các địa phương, DN cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những thị trường mới tiềm năng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/tim-cach-go-un-tac-nong-san-o-cua-khau-20211220214959116.htm